Theo người dân địa phương, nhiều ngày qua, ông V.V.N (ở xã Tân Cảnh) đã đưa máy móc, phương tiện đến khai thác đất trái phép tại khu vực gần sông Pô Kô rồi vận chuyển đến khu vực suối cạn bên cạnh QL14 (thuộc thôn 5, xã Tân Cảnh) để san lấp mặt bằng.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại khu vực đồi cao su nằm sát bờ sông Pô Kô, một lượng lớn đất đã bị khai thác để vận chuyển đi nơi khác. Tại đây, đất bị đào sâu khoảng 8 m, rộng khoảng 30 m và dài khoảng 60 m. Khối lượng đất đá này được vận chuyển đến vị trí cách đó khoảng 500 m để san lấp khu vực suối cạn sát QL14. Tại hiện trường có 1 chiếc máy múc đang thực hiện san lấp mặt bằng.
Điều khiến người dân thắc mắc là dù khu vực khai thác và san lấp đất trái phép nằm ngay cạnh quốc lộ nhưng qua thời gian dài vẫn không bị cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản vi phạm.
Ông Mai Huy Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh, cho biết trên địa bàn xã không có mỏ khai thác đất nào được cấp phép. Người thực hiện khai thác và san lấp đất là ông V.V.N. Khi thực hiện khai thác, san lấp đất, ông N. đã trình báo cho UBND xã. Dù chưa được cấp phép, tuy nhiên đây cũng là nhu cầu của người dân cải tạo lại đất nên xã tạo điều kiện.
"Nói tóm lại, họ san lấp mặt bằng để sử dụng, trồng cây hay xây nhà nhằm sử dụng cho có hiệu quả. Nhưng về quy định, ông chở đất chỗ này qua chỗ kia nếu đúng quy trình thì phải lập phương án thống kê khối lượng. Nó đủ thứ quy trình. Nhu cầu đất san lấp của người dân rất nhiều nhưng quy hoạch điểm mỏ để lấy đất một cách hợp pháp thì nghe cũng rất rườm rà. Chẳng qua có những cái tạo điều kiện được thì mình tạo điều kiện thôi", ông Hưng nói.
Ngày 24.2, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng TN-MT H.Đăk Tô, cho biết trên địa bàn không có mỏ đất nào được cấp phép hoạt động. Nếu để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép thì trách nhiệm thuộc về UBND xã.
Sau khi nhận được phản ánh về trường hợp khai thác đất nói trên, bà Thủy nói sẽ yêu cầu UBND xã kiểm tra, xác minh. Nếu có vi phạm sẽ lập biên bản để xử lý, đồng thời thông tin đến báo chí.