Mới đây, ngày 23-2 Công an TP Phủ Lý (Hà Nam) đã khởi tố Trần Văn Dũng về tội "giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".
Dũng cho người bạn đã nhậu mượn xe dù biết người này đã ngà ngà và xảy ra tai nạn, bạn chết, còn Dũng bị khởi tố.
Hại bạn, hại cả mình
Trước đó, ngày 21-2 Công an huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cũng khởi tố Bùi Văn Tuyến về tội danh tương tự khi cho bạn nhậu mượn xe máy chạy dẫn đến tai nạn chết hai người.
Hay cuối năm 2023, Công an huyện Thoại Sơn (An Giang) xử phạt hành chính một người Ấn Độ với ba lỗi vi phạm trong đó có lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Đồng thời, Công an huyện cũng phạt bà Đ.T.T.H. (là bạn của người đàn ông này) vì đã đưa xe máy cho ông này lái trong tình trạng có cồn trong người.
Những vụ bị xử lý vì giao xe cho người say xỉn điều khiển như trên chưa phải là nhiều dù việc đưa xe cho người quen, người thân chạy dù đã có uống rượu bia là khá phổ biến. Lý do bởi bao lâu nay người dân đã quen uống rượu bia rồi chạy xe vẫn được xem là bình thường.
Thế nhưng giờ đã đến lúc phải coi việc giao xe cho người đã uống rượu bia chạy có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, khả năng sẽ hại cả bạn và mình cũng bị liên lụy.
Bởi theo các nhà phân tích tình huống pháp lý, giao xe cho người quen đã uống rượu bia điều khiển nếu gây tai nạn, có hai án phạt - một là bản án lương tâm "biết vậy đừng đưa xe...", và hai là pháp luật trừng trị nếu cơ quan chức năng đi đến cùng của vụ việc. Mà khả năng tới đây việc đi đến cùng của vụ việc sẽ phổ biến hơn.
"Làm một ly vẫn được lái mà"
Liệu những câu nói như trên sẽ xuất hiện ở các bàn nhậu, cuộc vui khi quy định có ngưỡng về độ cồn được ban hành, thay vì mức 0% như hiện nay? Liệu cần ban hành ngưỡng nồng độ cồn vì không khéo sẽ thủ tiêu luôn lý do từ chối khi bị ép uống rượu bia vốn đã được hình thành kể từ khi có nghị định 100 về phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Từ khi có nghị định này, nhiều người đã thẳng thừng từ chối, và cũng chẳng ai ép được khi đương sự dõng dạc "xíu tôi lái xe". Nếu có ngưỡng về nồng độ cồn vẫn được lái xe, "tôi lái xe" không còn là lý do chính đáng để từ chối ép uống, thay vào đó là "làm một ly vẫn lái được mà".
Tình huống này thực sự phức tạp cho cả người sẽ lái xe, và giả dụ người ấy uống vào sau đó gây tai nạn thì sẽ khó tránh khỏi liên lụy cho người đã ép uống rượu bia.
Anh Nguyễn Tiến Dũng (quận 7, TP.HCM) cho hay rất hạn chế nhậu, một phần do anh là tài xế xe dịch vụ chở du khách. "Vừa rồi đi chúc Tết, tôi từ chối rượu bia rất dễ, nhưng nếu có ngưỡng nồng độ cồn, tức vẫn được uống, tôi sẽ khó từ chối. Mà đã khó từ chối thì dễ uống quá ngưỡng cho phép", anh Dũng nói.
Tiến sĩ Cao Vũ Minh, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng nên ủng hộ và giữ quy định, chế tài nghiêm với việc đã uống rượu bia mà lái xe. Vì nghị định 100 qua thực tế chứng minh là rất tích cực, người dân cũng như cả xã hội dần quen ứng xử với bia rượu và thói quen nhậu nhẹt dần đi vào nề nếp.
Các chuyên gia cũng cho rằng pháp luật phải cân bằng, hài hòa lợi ích các nhóm xã hội với nhau, nhưng không thể thỏa mãn tất cả. Sẽ có những trường hợp có cồn nội sinh nhưng chỉ là cá biệt hay có người "đô cao" nên uống vào vẫn tỉnh táo, lái xe tốt là những ý kiến cần lưu ý. Thế nhưng theo TS Minh, không thể vì thế mà đặt ra ngưỡng nồng độ cồn bởi sẽ rất phức tạp cho nhiều người.
Xử lý vi phạm nồng độ cồn, không oan sai
Một cán bộ cảnh sát giao thông Công an TP.HCM cho rằng có ý kiến băn khoăn về thiết bị đo nồng độ cồn chưa chuẩn xác thì tôi khẳng định thiết bị đo là chính xác. Người dân bị cảnh sát giao thông kiểm tra nếu cho rằng thiết bị đo sai thì có quyền chứng minh, khiếu nại, khởi kiện.
Tuy nhiên, cảnh sát giao thông đều có nghiệp vụ để phát hiện người đang chạy xe có uống rượu bia hay không. Từ thực tiễn kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn của người đi đường thì không oan cho ai cả.
Nam thanh niên ở Hà Nam bị khởi tố vì biết bạn nhậu đã uống rượu, không có giấy phép lái xe nhưng vẫn giao xe để bạn gây tai nạn chết người.