Kế hoạch gia nhập OECD của Indonesia đã có bước tiến đáng chú ý khi tuần này OECD chính thức họp bàn về khả năng tham gia của họ. Tuy nhiên, quá trình này có thể sẽ mất thời gian vì không có thời hạn hoàn thành quá trình gia nhập.
Dự kiến hội đồng OECD sẽ xem xét dự thảo lộ trình kết nạp Jakarta tại cuộc họp tiếp theo.
Thoát bẫy thu nhập trung bình
"Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là nền dân chủ lớn thứ ba thế giới, Indonesia là một nhân tố quan trọng trên toàn cầu, mang lại sự lãnh đạo quan trọng trong và ngoài khu vực. Quyết định hôm nay của các thành viên OECD mang tính lịch sử", Tổng thư ký OECD Mathias Cormann dành những lời có cánh cho Indonesia.
Theo OECD, hơn 20 ủy ban kỹ thuật sẽ đánh giá khả năng tham gia của Indonesia trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào các vấn đề ưu tiên như thương mại và đầu tư, quản trị công, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường...
Dựa trên kết quả những đánh giá đó, họ sẽ đưa ra các khuyến nghị cải cách, điều chỉnh luật pháp, chính sách của Indonesia phù với các tiêu chuẩn OECD.
"Chúng tôi lạc quan về vấn đề này vì chúng tôi đã thực hiện thành công hầu hết mọi thỏa thuận thương mại quốc tế" - Hãng tin Antara dẫn lời Bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto của Indonesia bày tỏ tự tin về lộ trình sắp tới.
Indonesia đã hợp tác với OECD nhiều năm trong các lĩnh vực, làm đối tác chính của OECD vào năm 2007, và năm 2014 đã giúp khởi động chương trình Đông Nam Á của tổ chức này.
"Vì vậy, Indonesia sẽ không bắt đầu từ con số 0 cho quá trình trở thành thành viên", Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani nói. Jakarta hy vọng hoàn tất quá trình này trong vòng 4 năm.
Indonesia đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30.000 USD/năm vào năm 2045, và việc gia nhập OECD là một bước để thực hiện tham vọng đó.
"Chúng tôi cũng hy vọng việc gia nhập OECD có thể hỗ trợ các ưu tiên của Chính phủ Indonesia, bao gồm nền kinh tế xanh, số hóa, phát triển nguồn nhân lực, quản trị tốt và đưa Indonesia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình" - báo Jakarta Post dẫn lời ông Airlangga.
Rõ ràng, việc tham gia OECD sẽ nâng tầm của Indonesia và mang lại lợi ích về nhiều mặt, như giúp tăng thu nhập bình quân đầu người.
Hơn nữa, tư cách thành viên của Indonesia trong OECD cũng sẽ là "con dấu" đảm bảo trong mắt nhà đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trở thành những công ty toàn cầu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ngoài ra, nó cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Jakarta tham gia các hiệp định thương mại và hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Nhiều nước ủng hộ
OECD được biết đến là "câu lạc bộ các nước giàu" góp phần định hình các chính sách kinh tế quốc tế với 38 thành viên, bao gồm các nước ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương. Tuy nhiên trong đó chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thành viên từ châu Á.
Do đó tổ chức này đang phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì ảnh hưởng trong bối cảnh các quốc gia không phải thành viên như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã nhanh chóng củng cố sức mạnh trên toàn cầu.
Vì vậy, việc có một thành viên mới nổi đông dân với sự hiện diện quốc tế ngày càng tăng sẽ giúp ích cho OECD dù ban đầu động thái này gây không ít ngạc nhiên khi GDP trên đầu người của Indonesia năm 2022 chỉ là 4.788 USD - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 43.261 USD của khối.
Indonesia cho biết các thành viên như Anh, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Đức và Slovakia đã đưa ra tuyên bố bằng văn bản ủng hộ họ gia nhập OECD.
"Mỹ mong làm việc với tất cả thành viên OECD để đảm bảo Indonesia thực hiện thành công mọi cam kết trong lộ trình gia nhập" - tuyên bố chung của Mỹ và Indonesia đưa ra trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Joko Widodo cuối năm ngoái nêu.
Tuy nhiên, Israel tỏ ra phản đối đề nghị của Indonesia.
Ông Junichi Takase, giáo sư tại Đại học nghiên cứu ngoại giao Nagoya của Nhật Bản, cho rằng sự tham gia OECD của Indonesia có khả năng làm thay đổi cục diện địa chính trị toàn cầu.
"Nó báo hiệu thông điệp mạnh mẽ của Indonesia bằng cách tách mình ra khỏi BRICS và gia nhập nhóm lấy phương Tây làm trung tâm", ông Takase nhận định trên tờ Nikkei Asia.
Ngoài ra, bước đi của Indonesia có thể thúc đẩy các nước ASEAN khác, như Malaysia và Thái Lan, tham gia OECD.
Thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng OECD quá tập trung vào lợi ích của các nước phát triển, vì vậy không quan tâm đến nhu cầu của các nước đang phát triển. Ngoài ra, việc tham gia OECD không phải lúc nào cũng đảm bảo cho vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Trong khi đó, gia nhập OECD có nghĩa là Indonesia cần sửa đổi luật pháp, chính sách quốc gia và địa phương để đáp ứng các tiêu chí của OECD.
Tuy nhiên, đánh giá của OECD năm 2020 tại Indonesia cho thấy quốc gia này vẫn còn khá nhiều rào cản đối với đầu tư quốc tế so với các nước trong khu vực ASEAN.
Ngày 9/3, OECD đã công bố báo cáo mới nhất về các quốc gia thành viên dẫn đầu về thu hút nhân tài thế giới, sau danh sách đầu tiên được công bố năm 2019.