Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong từng bị kết tội hối lộ cựu tổng thống Hàn Quốc. Ông cũng bị buộc tội thao túng giá cổ phiếu và gian lận kế toán trong vụ sáp nhập trước đây của hai chi nhánh của Samsung. Ngoài ra, ông cũng đã bị buộc tội sử dụng trái phép propofol – một loại thuốc an thần. Đối với cáo buộc hối lộ, ông đã phải ngồi tù khoảng 560 ngày trong hai khoảng thời gian riêng biệt, trong 1 thập kỷ qua. Điều đáng nói là ông tiếp tục vẫn tiếp tục dẫn dắt gã khổng lồ điện tử trong thời gian ngồi tù.
Giờ đây, trong một khoảng thời gian hiếm hoi, vị lãnh đạo Samsung không phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc hình sự nào.
Ông Lee, 55 tuổi hiện là người giàu nhất Hàn Quốc và là người nổi tiếng. Truyền thông địa phương theo dõi sát sao từng động thái của ông. Chiếc áo vest độn bông mà ông Lee mặc tại sân bay - do thương hiệu thời trang Beanpole thuộc sở hữu của Samsung sản xuất đã nhanh chóng được bán hết trên mạng.
Người dân Hàn Quốc cũng chú ý đến sự lựa chọn kính mắt của chủ tịch Samsung (tới cùng từ nhãn hiệu Silhouette) và đổ xô đi mua loại son dưỡng môi mà ông Lee đã bôi trong một phiên điều trần quốc hội trên truyền hình (nhãn hiệu Softlips của Mỹ). Gần đây hơn, kế hoạch thực tập mùa hè của con gái ông tại một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Chicago đã trở thành tin tức nóng hổi trên toàn quốc.
Tháng này, tòa án ở Seoul đã tuyên ông Lee trắng án với các cáo buộc còn tồn đọng cuối cùng về tội thao túng cổ phiếu và gian lận kế toán. Các công tố viên đã kháng cáo, nhưng các chuyên gia pháp lý cho biết, ngay cả khi tòa án cấp cao đưa ra phán quyết thay thế, khả năng chủ tịch Samsung phải quay trở lại nhà tù là rất thấp. Về phần mình, chủ tịch Lee cho biết ông vô tội trước mọi cáo buộc tài chính và được ân xá vì tội nhận hối lộ vào năm 2022. Ông đã nộp phạt để giải quyết các cáo buộc ma túy vào năm 2021.
Người phát ngôn của Samsung Electronics từ chối bình luận hoặc mời Lee trả lời phỏng vấn cho bài viết này.
Khi cố Chủ tịch Samsung, một nhà lãnh đạo cứng rắn huyền thoại của Samsung, lâm bệnh vào năm 2014, ông Lee dường như đã sẵn sàng đưa Samsung lên một tầm cao mới. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được chuẩn bị để lãnh đạo tập đoàn kinh doanh lớn nhất Hàn Quốc cùng "viên ngọc quý" Samsung Electronics, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới và là công ty thống trị trong lĩnh vực điện thoại thông minh và TV. Ông học quản trị kinh doanh tại Harvard, thông thạo tiếng Anh và tiếng Nhật.
Các giám đốc điều hành cấp cao của Samsung là những vị khách thường xuyên của ông tại Trung tâm giam giữ Seoul, nơi ông thụ án vì tội nhận hối lộ trong một phòng giam rộng 68 feet vuông (khoảng 6,3m2).
Trong căn phòng có một tấm nệm, bàn, ghế, bồn rửa, nhà vệ sinh và tivi có thể gập lại được (chiếc tivi được sản xuất bởi đối thủ LG của Samsung). Sau khi mãn hạn tù, ông Lee tiếp tục bị trói buộc bởi những rắc rối pháp lý.
Trong khoảng 3 năm rưỡi qua, ông Lee đã phải hầu tòa hàng tuần trong thời gian xét xử vì các cáo buộc liên quan đến vụ sáp nhập hai công ty con của Samsung vào năm 2015. Các hoạt động kinh doanh khác nhau của Samsung đều được điều hành bởi các CEO và quản lý cấp cao, nhưng ông Lee là người đứng đầu cấp cao, người đặt ra chiến lược của công ty và phê duyệt các quyết định quan trọng.
Giờ đây khi ông Lee có thể tập trung toàn thời gian vào công việc kinh doanh, Samsung Electronics, nơi ông dành phần lớn thời gian của mình, vừa công bố lợi nhuận hàng năm tệ nhất trong một thập kỷ trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chip nhớ chủ đạo sụt giảm và việc sắp xếp lại ngành bán dẫn.
Apple vừa vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 về doanh số. SK Hynix đã chạy đua hợp tác với Nvidia để phát triển các chip bộ nhớ chuyên dụng cung cấp năng lượng cho hệ thống trí tuệ nhân tạo. Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan đã mở rộng vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất chip theo hợp đồng. Samsung đã không thực hiện thương vụ mua lại lớn nào trong 7 năm qua.
Vài ngày sau khi được tuyên trắng án, ông Lee đã đến thăm nhà máy sản xuất pin Samsung SDI ở Malaysia. Ông kêu gọi nhân viên đừng tập trung vào hiệu suất ngắn hạn. Ông kêu gọi đầu tư táo bạo và thay đổi.
Ông nói: "Chúng ta không được sợ hãi trước những khó khăn".
Tại Hàn Quốc, Samsung là một đế chế khổng lồ, có hàng chục chi nhánh trải dài từ công viên giải trí, dược phẩm sinh học đến thẻ tín dụng. Một người Hàn Quốc có thể được sinh ra trong bệnh viện Samsung và được an nghỉ tại nhà tang lễ Samsung.
Những rắc rối pháp lý của ông Lee không ảnh hưởng nhiều đến vị thế của công ty ở địa phương. Hơn 3/4 người Hàn Quốc ủng hộ việc ân xá cho ông vào năm 2022.
Lee kết hôn với Lim Se-ryung, người thừa kế của Tập đoàn Daesang, một trong những tập đoàn kinh doanh thực phẩm lớn của Hàn Quốc, vào năm 1998. Họ có một con trai và một con gái sinh ra ở Mỹ và có hai quốc tịch Mỹ và Hàn Quốc. Cặp đôi ly hôn vào năm 2009.
Ông Lee không nhận tiền lương. Ông giữ chức vụ phó chủ tịch từ năm 2012 đến năm 2022 và trở thành chủ tịch điều hành vào tháng 10/2022.
"Tôi biết có những lo lắng, chỉ trích và cả những kỳ vọng lớn đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng hết sức", ông Lee nói với các phóng viên vào năm 2021, khi rời Trung tâm giam giữ Seoul sau khi được tạm tha vì tội hối lộ.
Trong khi lên lịch cho những ngày ra tòa, ông Lee đã thực hiện hơn chục chuyến đi trong những năm gần đây, bao gồm chuyến thăm cấp nhà nước vào tháng 12 tới Hà Lan với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol để thảo luận về chất bán dẫn. Ông cũng đã đến thăm nhiều chi nhánh của Samsung ở Hàn Quốc và các nơi khác và gửi những thông điệp ngắn gọn, đầy động lực tới nhân viên.
Vào tháng 2 năm ngoái, ông Lee đã đến thăm các cơ sở sản xuất màn hình của Samsung tại thành phố Asan, Hàn Quốc và kêu gọi công ty "liên tục đổi mới và đầu tư để phát triển những khả năng mà không ai có thể vượt qua".
Kể từ khi ra tù, ông Lee cũng đã đi ra nước ngoài hoặc tiếp đón một số đối tác kinh doanh quan trọng của Samsung, bao gồm Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, Satya Nadella của Microsoft và người sáng lập SoftBank Masayoshi Son.
Phong cách của ông trái ngược với sự chỉ đạo mạnh mẽ của người cha quá cố. Dưới thời ông Lee Kun-hee, Samsung đã trở thành nhà sản xuất chip nhớ thống trị và phát triển từ một nhà sản xuất thiết bị điện tử bắt chước thành đối thủ điện thoại thông minh chính của Apple. Ông từng nổi tiếng tập hợp các quan chức hàng đầu của Samsung, đốt một đống điện thoại di động của công ty và đưa ra chỉ thị nổi tiếng: "Hãy thay đổi mọi thứ trừ vợ con".
Mike Cho, chuyên gia quản trị doanh nghiệp và giáo sư tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul cho biết ông Lee hiện được kỳ vọng sẽ trở nên tích cực hơn trong việc thúc đẩy các khoản đầu tư lớn hoặc thay đổi cơ cấu để cho thấy những gì ông có thể làm mà không gặp khó khăn về mặt pháp lý.
"Rất nhiều người muốn anh ấy hành động như một nhà lãnh đạo công nghệ lớn, một người thực sự năng động và chủ động. Anh ấy biết điều đó nên tôi nghĩ anh ấy sẽ hành động như vậy nhiều hơn trong tương lai", Cho nói.
Theo: WSJ