Tôi 40 tuổi, mẹ đơn thân đã 15 năm, được đánh giá là người mạnh mẽ, thành công và đặc biệt khá chuẩn mực trong giao tiếp với người khác phái. Do tính chất công việc, tôi có một nhóm anh em thân thiết như ruột thịt hàng chục năm trời, sẵn sàng hỗ trợ nhau hết lòng khi ai đó cần giúp hay xảy ra chuyện trong công việc (không liên quan tiền bạc). Thỉnh thoảng chúng tôi tụ họp ăn uống, tâm sự, hát hò và hầu như chỉ mỗi tôi là nữ.
Cần phải nói rõ rằng, trong các cuộc gặp gỡ này, hay giao tiếp bình thường, chúng tôi không có bất kỳ hành động nào đi quá giới hạn anh em, song có không ít lời nói thể hiện sự quý mến, trân trọng tình nghĩa và ngưỡng mộ về nhau.
Mới đây, khi đang ở cơ quan, tôi nhận được cuộc gọi của người đàn ông, nói rằng "có người tặng hoa cho chị" và đề nghị ra cổng cơ quan nhận. Vì tò mò, tôi xuống xem, thì thấy rằng đó là lẵng hoa tang kèm dòng chữ "vô cùng thương tiếc" cộng với tên tôi. Tôi hỏi người giao hoa một số thông tin, nhưng ông ấy nói không biết gì, "chỉ được tiệm hoa thuê giao cho chị".
Hôm sau, một người phụ nữ gọi điện thoại cho tôi, xưng là "vợ" của ông anh (anh này đã ly hôn nhiều năm trước) trong nhóm trên, dùng nhiều lời lẽ miệt thị cho rằng tôi "quyến rũ chồng của chị ta" rồi hăm dọa cho người "xử lý để cái lẵng hoa kia trở thành sự thật". Tìm hiểu sự việc, tôi được biết bà này là công chức, sống với ông anh tôi như vợ chồng (không đăng ký kết hôn), và đã thuê người đánh "dằn mặt" ít nhất 3 người phụ nữ khác chỉ vì "từng nói chuyện với chồng tao".
Hiện, tôi rất lo lắng vì nhận ra người đàn bà ấy không tỉnh táo, có một số hành vi thiếu chuẩn mực bất chấp là một cán bộ công chức, coi thường pháp luật, có những hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và đe dọa sức khỏe, tính mạng tôi.
Xin hỏi, những hành vi bà ấy đã thực hiện với tôi (gửi hoa tang, gọi điện chửi bới xúc phạm, hăm dọa) đã vi phạm pháp luật như thế nào? Tôi phải làm gì để bảo vệ mình?
Độc giả Mộc Miên
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin chị cung cấp, tùy theo mức độ thiệt hại về thể chất, tổn thất về tinh thần của chị, cũng như mức độ nghiêm trọng của hành vi, thì người phụ nữ kia có thể đối diện với các chế tài.
Về việc bà này "gửi hoa tang, gọi điện thoại chửi bới, xúc phạm" có thể xem là hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân - là quyền bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ được quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, với chế tài cụ thể là:
Về dân sự: Theo khoản 1 Điều 584, Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, người nào xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì phải bồi thường thiệt hại, bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và thiệt hại khác.
Ngoài ra, họ còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người khác gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Về chế tài hành chính: Điểm a khoản 3, điểm c khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người có hành vi khiêu khích, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn bị buộc xin lỗi công khai (trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu).
Về chế tài hình sự: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với chế tài là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 3-5 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Đối với hành vi "hăm dọa cho người xử lý để lẵng hoa tang trở thành sự thật" - tức là đe dọa giết người. Nếu cơ quan điều tra xác định "có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa sẽ được thực hiện" thì người phụ nữ kia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đe dọa giết người theo Điều 133 Bộ luật Hình sự, và có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Trong vụ việc này, trước hết, nếu ông anh của chị thật sự đang chung sống như vợ chồng với người phụ nữ kia, thì chị nên đề nghị anh ấy nói rõ mối quan hệ giữa anh ấy và chị với "vợ", đồng thời khuyên nhủ bà ấy chấm dứt hành vi. Hoặc, chị trực tiếp liên hệ yêu cầu bà ấy ngừng thực hiện các hành vi nêu trên.
Trong trường hợp chị đã yêu cầu mà bà ấy vẫn cố tình thực hiện, chị có thể nộp Đơn phản ánh sự việc hoặc Đơn tố giác tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền (Công an, Ủy ban nhân dân các cấp) để các cơ quan này tiến hành xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV TA PHA
Xem thêm: lmth.8554174-oas-mal-iahp-nehg-iv-tam-nad-ib-gnud-gnob/ten.sserpxenv