Thuyền trưởng Phạm Hoàng Nhơn, hơn 30 năm đưa khách sang sông, chứng kiến những người lao động hối hả lên những chuyến phà đêm với tâm trạng mệt mỏi sau một này lao động cực nhọc.
Thuyền trưởng Nhơn nói: "Cảnh người vất vả qua sông đã thôi thúc chúng tôi làm thật tốt công việc vận chuyển phà đêm, phải tập trung quan sát để những chuyến phà băng ngang tuyến sông nhộn nhịp nhất TP.HCM - Đồng Nai được an toàn".
Anh Hải (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) có mặt trên chuyến phà lúc 0h với những giỏ xe đầy rau củ quả được mua từ chợ đầu mối Bình Điền.
Đều đặn từ gần 10 năm nay anh Hải cùng những chuyến hàng mang theo ước mơ cuộc sống và tương lai của hai người con.
Anh Hải chia sẻ: "Nhờ những chuyến hàng này nuôi sống gia đình và tiền học phí cho hai con đang học lớp 11 và một cháu đang theo học ngành thiết kế tại Trường đại học FPT. Công việc lặp đi lặp lại đã trở thành thói quen, tối lấy hàng ở chợ đầu mối Bình Điền về đến nhà ngủ vài tiếng, sáng sớm đưa hàng ra chợ bán. Tôi chỉ mong những cực khổ hôm nay để các con được học hành tử tế, tạo dựng tương lai tốt hơn".
Trong khi đó, anh công nhân xây dựng Tấn Tài (19 tuổi, ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) vừa lập gia đình vui vẻ nói: "Từ mấy tháng nay công trình xây dựng ở xã Thạnh Xuân (quận 12, TP.HCM) ngày nào cũng tăng ca. Có hôm về đến phà Cát Lái phải đi chuyến 1h sáng. Tuy công việc cực nhọc nhưng mong muốn thêm chút tiền dành dụm để hai vợ chồng tính chuyện sinh con không lo bị thiếu thốn".
Mỗi người mỗi cảnh ban ngày mưu sinh cực nhọc tranh thủ về cho kịp chuyến phà đêm, nhưng họ đều mang theo những ước mơ đổi đời cho con cháu.
Sau khi TP.HCM yêu cầu bổ sung quy hoạch, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao các sở ngành bổ sung đồ án quy hoạch và làm báo cáo nghiên cứu xây dựng cầu thay phà Cát Lái.