Báo cáo của IdeaWorks cho biết 20 hãng hàng không hàng đầu thế giới đã kiếm được 33 tỉ USD từ phí hành lý ký gửi trong năm 2023, tăng 15% so với năm 2022 (29 tỉ USD).
Con số nói trên bao gồm phí kiểm tra hành lý, phí phạt hành lý vượt quá cân nặng quy định và nhiều khoản phí khác mà hành khách phải đóng để xử lý hành lý.
Một số hãng hàng không lớn được khảo sát gồm có American Airlines, Delta Air Lines, United Airlines, Southwest Airlines, Emirates và Etihad Airways.
Nghiên cứu còn cho biết các hãng hàng không này kiếm được tổng cộng 117,9 tỉ USD từ nhiều khoản phí bổ sung trên tất cả các danh mục.
Trong đó nổi bật là dịch vụ lựa chọn chỗ ngồi, chương trình khách hàng thân thiết và tiền bán đồ ăn nhẹ hoặc thức uống trên khoang máy bay.
“Hành khách đối phó với phí hành lý ký gửi bằng cách mang thêm hành lý xách tay lên khoang máy bay để tránh bị thu thêm tiền”, nội dung báo cáo nêu.
Theo IdeaWorks, phí hành lý ký gửi là giải pháp giúp các hãng hàng không truyền thống tại Mỹ vực dậy trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng vọt vì cuộc khủng hoảng dầu mỏ kéo dài từ năm 2007-2008.
Kể từ đó, loại phí này đã được các hãng hàng không khác trên toàn thế giới áp dụng. Tuy nhiên, không ít hãng đã lạm dụng điều này và tận thu cước hành lý ký gửi.
Tạp chí Entrepreneur cho biết IdeaWorks công bố nghiên cứu nói trên sau khi Hãng American Airlines (Mỹ) thông báo họ sẽ tăng giá hành lý ký gửi đối với hành khách nội địa vào ngày 21-2.
Cụ thể, hành khách di chuyển trong nước phải trả 40 USD hoặc 35 USD (khi đăng ký trực tuyến) phí hành lý ký gửi - tăng 33% so với trước đây (30 USD).
Đây là lần đầu tiên hãng hàng không này điều chỉnh phí hành lý ký gửi kể từ năm 2018.
TTO - Khoản phụ thu từ hành lý ký gửi của hành khách đi máy bay đã trở thành một khoản thu khổng lồ cho phép các hãng hàng không Mỹ đương đầu với thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.