vĐồng tin tức tài chính 365

Muôn kiểu lừa đảo tinh vi qua điện thoại và mạng xã hội

2024-02-26 07:13

Công an xã giúp dân thoát nhiều vụ mắc bẫy lừa qua điện thoại

Cuối tháng 10/2023, ông T.Đ.T. (trú xã Thanh Liên, H.Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đang ở nhà thì bất ngờ nhận được một cuộc ĐT từ số máy lạ gọi đến. Người gọi nói số ĐT ông T. đang sử dụng là không chính chủ và sẽ bị chặn 2 chiều trong vòng 2 giờ. Đối tượng yêu cầu ông T. kết bạn Zalo để hướng dẫn khôi phục, lấy lại số ĐT. Kết bạn Zalo xong, đối tượng gọi video bảo ông T. cung cấp số CCCD rồi hỏi có tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng hay không. Khi nghe ông T. nói có 3 cuốn sổ tiết kiệm 290 triệu đồng, đối tượng nói hiện cơ quan CA phát hiện ông đứng tên một tài khoản ngân hàng ở TP.Đà Nẵng, trong đó có số tiền rất lớn, bị nghi liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý và rửa tiền phi pháp. Tiếp đó, đối tượng nối máy để ông T. gặp một người khác tự xưng là kiểm sát viên (KSV) của Viện kiểm sát (VKS) nhân dân TP.Đà Nẵng.

Cũng như đối tượng trước, kẻ tự xưng là KSV của VKS cũng hù dọa ông T., nếu muốn chứng minh trong sạch, ông T. phải đến ngân hàng rút hết tiền tiết kiệm gửi vào một tài khoản do chúng cung cấp. Sau khi kết thúc điều tra, nếu ông T. không liên quan đến hoạt động phạm tội thì sẽ được cơ quan chức năng hoàn trả lại toàn bộ số tiền. Quá trình gọi điện, những đối tượng này liên tục yêu cầu ông T. phải vào phòng đóng cửa lại để "làm việc", tuyệt đối không được kể lại cho bất cứ ai. Nếu tiết lộ sẽ ảnh hưởng đến công tác điều tra và ông T. sẽ bị bắt giữ.

Kết thúc cuộc gọi, ông T. rất lo lắng, ông vào tủ lấy 3 cuốn sổ tiết kiệm để đến ngân hàng rút tiền chuyển tiền cho các đối tượng theo yêu cầu. Lúc này, vợ ông T. thấy chồng có những biểu hiện bất thường nên gặng hỏi. Sau khi nghe chồng kể lại toàn bộ sự việc, vợ ông T. gọi điện báo cho CA xã Thanh Liên. CA xã Thanh Liên đã gọi điện đề nghị ông T. lên xã để giải thích sự việc. Khi ông T. lên trụ sở CA xã Thanh Liên, các đối tượng không biết nên tiếp tục gọi điện yêu cầu ông T. nhanh chóng đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm chuyển cho chúng để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, khi Trưởng CA xã cầm máy chất vấn thì các đối tượng khoá máy. Lúc này, ông T. mới biết, nếu không có vợ và CA xã Thanh Liên thì ông đã bị lừa số tiền tích góp để an dưỡng tuổi già.

Bà H.T.T. trình báo sự việc với Công an xã Cẩm Hưng (H.Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh)

Tiếp đó, lúc 9 giờ sáng 01/12/2023, bà C.T.H. (SN 1960, trú thôn 5, xã Sơn Trà, H.Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cũng nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ, một người đàn ông tự xưng là cán bộ của Cục phòng chống ma túy Bộ CA, thông báo bà H. có liên quan đến 2 vụ án mà Cục phòng, chống ma túy đang điều tra. Qua điện thoại, thấy bà H. có biểu hiện hoang mang, lo lắng, đối tượng liền yêu cầu bà H. phải chuyển 856 triệu đồng vào số tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra, nếu bà H. không chấp hành thì sẽ bị bắt giữ. Trong lúc bà H.chuẩn bị gom tiền chuyển vào số tài khoản do đối tượng cung cấp thì chợt nhớ đến trước đây từng nghe cán bộ CA xã Sơn Trà tuyên truyền, cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội. Bà H. đã đến trụ sở CA xã Sơn Trà trình báo sự việc để nhờ giúp đỡ. Nhận thấy đây là thủ đoạn quen thuộc của những kẻ lừa đảo, CA xã Sơn Trà đã giải thích, ngăn chặn để bà H. tránh khỏi bẫy lừa.

Mới đây, lúc 10 giờ, ngày 15/01, bà H.T.T. (SN 1965, trú tại thôn Hưng Tân, xã Cẩm Hưng, H.Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cũng nhận được cuộc điện thoại từ một số đối tượng lạ tự xưng là cán bộ CAH.Cẩm Xuyên. Các đối tượng cho biết, bà T. có liên quan đến một vụ án đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép sang Campuchia và hiện CAH.Cẩm Xuyên phối hợp cùng CATP.Hà Nội thụ lý điều tra. Các đối tượng thay nhau gọi ĐT uy hiếp tinh thần bà T. rồi yêu cầu kê khai tài khoản. Do lo sợ, bà T. khai thật trong tài khoản có 700 triệu đồng. Các đối tượng yêu cầu bà T. phải chuyển số tiền này vào tài khoản của chúng để xác minh, làm rõ xem có phải là tiền phi pháp hay không. Nếu khi điều tra ra số tiền này trong sạch, cơ quan chức năng sẽ chuyển trả lại đầy đủ.

Trên đường đến ngân hàng rút tiền chuyển cho các "cán bộ tư pháp" như yêu cầu, bà T. chợt nhớ lại thời gian qua CA xã Cẩm Hưng có tuyên truyền về nội dung lừa đảo qua ĐT và mạng xã hội về thủ đoạn lừa đảo này nên bà đến trụ sở CA xã Cẩm Hưng để dò hỏi. Tại đây, các cán bộ, chiến sĩ CA xã Cẩm Hưng đã giải thích rõ thủ đoạn của các đối tượng xấu để ngăn chặn bà T. đi chuyển tiền.

Công an xã Sơn Trà (H.Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đang giải thích cho bà C.T.H. về thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội

Mất tiền tỷ vì bị lừa... chứng minh trong sạch

Theo CAH.Thanh Chương, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện xảy ra hàng chục vụ lừa đảo bằng hình thức mạo danh CA, VKS gọi điện thoại hù doạ nạn nhân có dính vào những vụ án hình sự. Các nạn nhân đa số là những người lớn tuổi, bị bọn tội phạm lừa với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Điển hình như mới đây, một cụ ông ở xã Thanh Tiên (H.Thanh Chương) bị các đối tượng giả danh CA, VKS gọi điện hù dọa rồi lừa chuyển cho chúng 470 triệu đồng.

Tương tự, 2 nạn nhân khác là ông Đ.V.X. và bà N.T.M. (cùng trú xã Võ Liệt, H.Thanh Chương) cũng bị bọn tội phạm sử dụng thủ đoạn trên lừa đảo, chiếm đoạt lấy đi tổng số tiền 400 triệu đồng. Tiếp đó, tại xã Thanh Liên cũng có 2 nạn nhân bị chúng lừa đảo chiếm đoạt 340 triệu đồng.

Quá trình gọi điện, chúng thường yêu cầu các nạn nhân phải thuê phòng ở khách sạn để nói chuyện, tuyệt đối phải giữ bí mật, không được tiết lộ cho ai biết. Chính vì thế, sau khi sự việc xảy ra, các nạn nhân mới bắt đầu nghi ngờ đi tìm hiểu thì mới biết mình bị bọn bất lương lừa đảo.

Không chỉ những người dân mà trước đó, một hiệu trưởng ở H.Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) cũng đã bị một số đối tượng dùng thủ đoạn trên lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 1 tỷ đồng. Nạn nhân là ông C.V.S (SN 1965, trú xã Cẩm Quan, H.Cẩm Xuyên), hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn xã Cẩm Quan. Theo đó, sáng 27/3/2023, ông S. nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ gọi đến, giọng một phụ nữ tự xưng là tổng đài viễn thông, thông báo số thuê bao của ông S. đang sử dụng sẽ bị khóa trong vòng 2 giờ tới. Để biết lý do bị khóa máy, ông S. được hướng dẫn bấm phím 1 để nghe thông tin. Thao tác theo hướng dẫn, ông S. nghe một giọng nam thông báo, số điện thoại của ông đang sử dụng đã bị rò rỉ thông tin cá nhân. Hiện có một người ở TP.Đà Nẵng đã lấy thông tin từ thuê bao này đăng ký tài khoản và phát tán một lượng lớn thông tin quấy rối, làm mất trị an, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Ông S. đã đề nghị tổng đài viễn thông hãy xóa tài khoản phát tán những thông tin trên vì đó không phải do ông đăng ký.

Công an xã Thanh Liên (H.Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) giải thích cho ông T. về thủ đoạn giả danh Công an, Viện kiểm sát rồi gọi điện lừa đảo người dân

Khi nghe đề nghị của ông S., đối tượng tự xưng là nhân viên tổng đài viễn thông cho biết, muốn xóa tài khoản phải được thông qua kiểm tra của CATP.Đà Nẵng vì tài khoản này được đăng ký ở TP.Đà Nẵng. Sau đó, đối tượng cho ông S. một số điện thoại rồi nói rằng đó là số của phòng điều tra CATP.Đà Nẵng. Các đối tượng đã liên tục kết nối, dẫn dắt để ông S. trao đổi với nhiều đối tượng tự xưng là cán bộ CA, rồi từ đó thao túng tâm lý để ông S. tự rơi vào bẫy lừa đảo.

Tin lời, ông S. đã làm theo yêu cầu các đối tượng đến thuê phòng của một khách sạn ở xã Cẩm Quang (H.Cẩm Xuyên) để "làm việc". Ông S. đưa 2 mặt thẻ CCCD lên trước màn hình camera để các đối tượng kiểm tra, đồng thời xóa một số ứng dụng như tài khoản Vietcombank, Messenger đã cài đặt trên điện thoại theo yêu cầu của các đối tượng. Tiếp đó, đối tượng cho ông S. xem lại thông tin trên cổng thông tin điện tử Bộ CA và nghe một cuộc trao đổi của đối tượng này với thanh tra Bộ CA, rồi nhấn mạnh với ông S. rằng, cuộc làm việc gián tiếp có sự giám sát của thanh tra Bộ CA.

Từ đây ông S. đã khai báo cho đối tượng biết về tài sản mà mình đang sở hữu gồm: một căn nhà cấp 4 trị giá 200 triệu đồng, 1 chiếc xe ôtô mua 2 năm trước với số tiền 670 triệu đồng. Nghe ông S. trình bày xong, đối tượng yêu cầu nạn nhân huy động một lượng lớn tiền gửi vào tài khoản cá nhân để chứng minh. Sau khi bị thao túng tâm lý, ông S. đã làm theo yêu cầu, đi vay mượn bạn bè, con cháu được 965 triệu đồng chuyển và tài khoản do đối tượng này cung cấp để "chứng minh trong sạch". Chỉ đến khi con gái phát hiện, đến can ngăn thì trong số tài khoản của ông S. chỉ còn 519.000 đồng. Sau đó, ông S. biết mình bị lừa đảo nên đã làm đơn gửi đến CAH.Cẩm Xuyên trình báo toàn bộ sự việc.

Văn Tình

Xem thêm: lmth.272951_ioh-ax-gnam-av-iaoht-neid-auq-iv-hnit-oad-aul-ueik-noum/caig-hnac/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án vay

“Muôn kiểu lừa đảo tinh vi qua điện thoại và mạng xã hội”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools