Quá trình đô thị hóa đang phát triển nhanh chóng
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa và phát triển nhanh chóng. Tốc độ đô thị hóa đã tăng lên từ 30,5% năm 2010 tới hơn 42,6% vào năm 2023 và vẫn đang trong xu hướng tăng. Mục tiêu đạt tối thiểu 45% vào năm 2025, trên 50% đến năm 2030.
Cụ thể, thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 10/2023, cả nước có 902 đô thị, trong đó có hai đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân.
Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, thay đổi sự phân bố dân cư.
Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, diễn ra không đồng đều giữa các vùng miền, tạo ra nhiều thách thức lớn.
Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng đô thị thiếu tính đồng bộ khiến đô thị hóa diễn ra tự phát, không có quy hoạch dẫn đến một số đô thị thiếu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, mất cảnh quan đô thị,... gây tác động tiêu cực tới môi trường sống.
Đặc biệt, tại khu vực thành phố, do quá tải cơ sở hạ tầng đô thị, an ninh xã hội không đảm bảo, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu việc làm, tệ nạn xã hội diễn ra tràn lan...
Thách thức đặt ra nói trên dưới những tác động thấy rõ khi một số tỉnh, thành phố tại Việt Nam liên tục đứng top đầu về ô nhiễm không khí khiến người dân ngày càng “khát" không gian xanh. Đặc biệt là thế hệ trẻ với điều kiện sống và có ý thức hơn về giá bị bền vững.
Nhưng với tốc độ đô thị hóa hiện nay, những không gian xanh, mặt nước đang ngày càng thu hẹp và vắng bóng trong môi trường đô thị Việt Nam.
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2/người. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới.
Nhiều chủ đầu tư trục lợi, mượn nhãn dự án BĐS xanh để thu hút khách hàng
Theo VARs, trong bối cảnh hiện nay, phát triển đô thị xanh trở thành mô hình được người dân ưa chuộng, sớm định hình là xu hướng tất yếu của tương lai.
Các chủ đầu tư có tiềm lực đang đầu tư đáng kể vào không gian xanh, mà nhận thức của bản thân người mua nhà về tiêu chí chọn lựa chỗ ở cũng đã có những thay đổi.
Trước nhu cầu thực tế đó, nhiều chủ đầu tư rót vốn vào bất động sản xanh. Đến thời điểm hiện tại, các dự án đô thị xanh, chú trọng vào tiện ích, sức khỏe con người và môi trường xung quanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu với lượng bán tốt vượt trội so với những dự án khác.
Tuy nhiên, số lượng dự án thực tế vẫn khiêm tốn so với nhu cầu và số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua. Bởi nhiều chủ đầu tư muốn làm công trình xanh nhưng chưa có kinh nghiệm.
Nhiều chủ đầu tư lo ngại việc xây dựng và phát triển công trình xanh sẽ khiến chi phí đầu tư tăng 20-30%, thậm chí cao hơn.
Trong khi, thực tế, theo các nghiên cứu trên thế giới, công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3 - 8% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm được từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng, 50 - 70% chi phí xử lý chất thải.
Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa nhận thức chính xác về công trình xanh. Đây cũng là sơ hở cho nhiều chủ đầu tư trục lợi, mượn nhãn dự án bất động sản xanh để quảng bá nhằm gia tăng khả năng thu hút, xoay vòng vốn và mở rộng diện khách hàng.
Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam, lãnh đại VARs cho rằng, trước hết, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xây dựng và triển khai thực hiện quy trình đánh giá, chứng nhận, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình xanh bằng các con số, định lượng cụ thể.
Trên thế giới có nhiều hệ thống đánh giá tiêu chuẩn công trình xanh đang được áp dụng như Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới); Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ),...
Đồng thời, cần có các cơ chế ưu đãi cụ thể đối với công trình xanh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh.
Các doanh nghiệp cũng cần kịp thời định vị lại sản phẩm phát triển để được hưởng lợi từ những ưu đãi và nhu cầu sống xanh ngày càng tăng.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, sử dụng các thiết bị thân thiện với môi trường.