vĐồng tin tức tài chính 365

Băng rừng, cứu thú ở Sơn Trà

2024-02-26 10:52
Kiểm lâm băng rừng tuần tra, gỡ bẫy thú - Ảnh: LÊ TRUNG

Kiểm lâm băng rừng tuần tra, gỡ bẫy thú - Ảnh: LÊ TRUNG

Bán đảo Sơn Trà, hệ sinh thái tự nhiên phong phú với hàng nghìn ha rừng đặc dụng và nhiều động thực vật quý hiếm như báu vật thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng. Một số kẻ đã đột nhập đặt bẫy thú. Lực lượng kiểm lâm cũng tăng cường tuần tra, tháo gỡ bẫy, giải cứu thú rừng.

Tờ mờ sáng, khi màn sương sớm còn đặc quánh trên cây rừng, bao trùm trắng xóa con đường quanh co lên bán đảo Sơn Trà, năm nhân viên của Hạt kiểm lâm liên quân Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn lỉnh kỉnh đồ đạc, dụng cụ cho một chuyến băng núi tuần tra ở rừng Sơn Trà.

"Phải mang giày, bịt kín ống quần bởi mùa này thời tiết ẩm ương, dễ bị ve rừng hay vắt bám vào chân hút máu. Mà chúng bám vào thì dai như đỉa, ngứa ngoáy khó chịu lắm" - ông Nguyễn Đắc Thành, kiểm lâm viên, nói.

Theo chân kiểm lâm

Từ con đường bê tông, mất hơn vài giờ cuốc bộ len lỏi theo con đường mòn dốc đứng cây lá chằng chịt. Những cổ thụ dày đặc trên các sườn dốc vọng tiếng chim muông, thỉnh thoảng nghe tiếng kêu của bầy voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là nữ hoàng linh trưởng ở Sơn Trà. Dốc đá dựng đứng, lội bộ như đầu gối chạm mặt, mệt đuối, thế mà các kiểm lâm lại phăng phăng như cơm bữa.

Một kiểm lâm viên dùng GPS bấm tọa độ định vị, ghi chép cẩn thận vào sổ tuần tra những nơi đi qua.

"Hình như có dấu vết của heo rừng" - ông Mai Bé, nhân viên hạt kiểm lâm, chỉ vào bãi đất trống cạnh con suối với chi chít vết đào xới. "Dấu vết này là heo rừng dùng mõm ủi đất, tìm kiếm thức ăn" - ông rành rọt.

Kiểm lâm viên Nguyễn Đắc Thành kể rằng các nhân viên thường xuyên chia ca đi tuần, nhất là kiểm tra người đột nhập vào rừng trái phép hoặc săn bắn, đặt bẫy thú. 

Mỗi tuần ít nhất 3-4 lần tuần tra, nhất là trong dịp Tết số lần tuần tra sẽ tăng lên bởi sợ có tình trạng các thợ săn trà trộn cùng du khách rồi xâm nhập sâu vào rừng đặt bẫy.

"Có những chuyến tuần tra đột xuất vào buổi tối hoặc anh em đi khi có tin báo người lạ đột nhập vào rừng bẫy thú, có khi phải bỏ dở bữa cơm mà chạy" - ông Thành kể.

Quãng đường tuần tra xuyên rừng mất vài cây số, các nhân viên kiểm lâm thấy dấu vết của chiếc bẫy cũ đã bị lực lượng kiểm lâm phá hỏng. 

Ông Bé cho biết đây là chiếc bẫy kẹp, khi thú rừng đi qua sẽ bị kẹp chân lại, một khi thú rừng bị dính bẫy này sẽ bị mất máu nhiều và không thể thoát ra. Sau khoảng bốn, năm ngày nếu không gỡ ra khỏi bẫy con thú sẽ chết. 

"Ngoài bẫy kẹp còn nhiều loại bẫy dây loại dây phanh xe đạp, lồng bẫy sắt" - ông Bé kể.

Và cứ thế một buổi sáng tuần tra kết thúc, các nhân viên kiểm lâm đã phá hỏng và thu giữ một số ít bẫy được đặt trong rừng sâu. Để phát hiện bẫy thú, ngoài nắm bắt các ngả đường độc đạo vào rừng thì kiểm lâm cũng phải dùng kinh nghiệm để "săn" các đường bẫy của cánh thợ săn.

Những đường bẫy được đặt rất tinh vi, nằm trong các bụi cây rậm rạp hay bẫy dây thường nằm ở những nhánh đường mòn nhỏ, nơi con thú hay đi ngang qua.

"Chúng tôi để ý những dấu vết mà cánh bẫy thú để lại chẳng hạn như cành cây bị gãy hay bụi cây rừng bị giẫm đạp. Từ đó lần mò đến các đường bẫy, quan sát tỉ mỉ, kỹ càng mọi dấu vết" - anh Luân, kiểm lâm viên, kể.

Một chiếc bẫy thợ săn đặt ẩn trong rừng - Ảnh: LÊ TRUNG

Một chiếc bẫy thợ săn đặt ẩn trong rừng - Ảnh: LÊ TRUNG

Gian nan bảo vệ thú rừng

Theo các kiểm lâm viên, những chiếc bẫy kẹp bằng sắt thường nằm dưới lớp lá cây khô rụng dưới đất, rất khó phát hiện và loại bẫy này dùng để bắt các loài thú nhỏ như sóc, chồn. Còn dây bẫy thì bắt những loài thú lớn hơn như lợn rừng, khỉ, chỉ cần thú giẫm chân vào thì bị dây rút quấn chặt vào chân không thể thoát.

"Đây là loại bẫy dễ làm, dễ bắt và dễ đưa vào rừng nhất. Bởi vậy việc tìm, tháo gỡ bẫy rất gian nan, khó khăn" - một kiểm lâm viên chia sẻ.

Ông Ngô Trường Chinh, hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quân Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, cho biết qua các đợt tuần tra lực lượng kiểm lâm đã tháo gỡ, tiêu hủy các bẫy thú, kịp thời ngăn chặn các hành vi gây tổn hại đến động vật hoang dã trong phạm vi rừng Sơn Trà.

Theo ông, đặc thù ở bán đảo Sơn Trà bắt đầu ra Tết vào mùa du lịch, lượng du khách tham quan tăng khá cao. Chính yếu tố này mà các đối tượng lợi dụng trà trộn vào du khách xâm nhập vào rừng.

Vì vậy đơn vị đã lên phương án tăng cường tần suất tuần tra các tuyến đường. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, có đối tượng xâm nhập vào rừng thì sẽ triển khai lực lượng vào rừng đẩy đuổi và bố trí lực lượng tuần tra, chốt ở các điểm xung yếu ngoài giờ hành chính.

"Chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền trong người dân, rất mong rằng mọi người khi đến Sơn Trà thì cùng chung tay với lực lượng chức năng bảo vệ hệ sinh thái Sơn Trà ngày một tốt hơn" - ông Chinh nói.

Ông kể hiện nay có một thực trạng gây khó khăn, thách thức cho lực lượng kiểm lâm là việc làm bẫy bắt động vật hoang dã trong rừng có rất nhiều hình thức. Không nhất thiết người ta phải mua dụng cụ hay các bẫy đem vào rừng mới bẫy được thú. Mà chỉ cần cầm một con dao nhỏ vào rừng và chặt những vật liệu có sẵn trong rừng để làm bẫy.

Qua theo dõi thấy trên các kênh thông tin đại chúng, mạng xã hội đầy rẫy hướng dẫn cách làm bẫy, hướng dẫn sinh tồn trong rừng, vì vậy việc làm một chiếc bẫy rất dễ dàng, đây là một thách thức cho kiểm lâm.

"Chẳng hạn như một người vào rừng ban đầu chỉ mang tư tưởng tham quan, nhưng vào đó thấy xung quanh là thú thì nảy ra ý định bắt một con và họ không cần dùng các dụng cụ, chỉ cần một con dao nhỏ, lên mạng xem cách làm bẫy là có thể làm được. Vô hình trung việc này sẽ tác động lên cả một hệ sinh thái tự nhiên ở rừng" - ông Chinh nói.

Những chiếc bẫy kẹp nguy hiểm được kiểm lâm phát hiện - Ảnh tư liệu của hạt kiểm lâm

Những chiếc bẫy kẹp nguy hiểm được kiểm lâm phát hiện - Ảnh tư liệu của hạt kiểm lâm

Báo cáo của hạt kiểm lâm tình hình trước, trong và sau Tết, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng 20 đợt, phát hiện, tháo gỡ, tiêu hủy 1 lán trại, 12 bẫy kẹp sắt, 118 dây bẫy loại dây phanh xe đạp, 5 lồng bẫy sắt. Phối hợp cùng đội liên ngành tổ chức tuần tra 20 đợt, nhắc nhở 208 du khách không được cho khỉ ăn, không được sử dụng lửa trái phép, không được cắm trại qua đêm.

Ngoài ra lập biên bản, xử lý 1 vụ vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo để kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng và sản phẩm trái quy định, xử phạt tiền 2 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 2 cá thể vạc, 10 cá thể chim tu hú đã chết. Bắt giữ, tái thả lại rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà 2 cá thể cầy hương, 1 diều núi và 1 cá thể khỉ vàng.

Diện tích rừng và đất trống sử dụng cho lâm nghiệp ở Sơn Trà hơn 3.600ha, trong đó rừng đặc dụng gần 3.500ha, độ che phủ rừng 57,89%. Về thực vật có 1.451 loài thuộc 162 họ. Trong đó có 166 loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu. Có 531 loài động vật thuộc 144 họ, 48 bộ, trong đó xác định được có 58 loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu (28 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam). Đặc biệt ở đây có loài voọc chà vá chân nâu, được mệnh danh là nữ hoàng linh trưởng ở Sơn Trà.

Bảo tồn đàn khỉ quý hiếm bà lão nuôi trên đảo Hòn TràBảo tồn đàn khỉ quý hiếm bà lão nuôi trên đảo Hòn Trà

TTO - Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài "Bà lão và đàn khỉ hoang" kể chuyện bà Út Chất nhiều năm nuôi đàn khỉ hoang trên đảo Hòn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện đây là đàn khỉ quý hiếm.

Xem thêm: mth.10042700162204202-art-nos-o-uht-uuc-gnur-gnab/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Băng rừng, cứu thú ở Sơn Trà”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools