Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam sau khi tham quan cánh đồng sản xuất lúa ST25 tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng trong ngày 26-2.
Ông Nam cho biết, Bộ đang tích cực phối hợp các đơn vị, địa phương triển khai xây dựng nhãn hiệu lúa giảm phát thải.
"Chính nhãn hiệu lúa giảm phát thải mới nâng được giá trị hạt gạo Việt Nam. Mình có thể đo đếm các phần để chi trả bằng chứng chỉ carbon.
Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu chính, mà chỉ là thước đo công nhận lúa đạt tiêu chuẩn để giảm phát thải. Vấn đề năng cao giá trị vẫn là nhãn hiệu hàng hóa. Bộ đang nghiên cứu xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho lúa Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp", ông Nam nói.
Theo ông Nam, để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp, Bộ tăng cường đi khảo sát các địa bàn, sau đó có các chương trình cụ thể, nhất là kế hoạch chuyên đề triển khai đồng bộ.
"Từ cánh đồng chuyên canh tác lúa ST25 ở thị xã Ngã Năm, cần tiến tới thành lập hợp tác xã. Việc sản xuất trên cánh đồng lớn sẽ thuận lợi trong quản lý, hỗ trợ và đo đếm lượng phát thải hơn", ông Nam khuyến cáo.
Ông Nam cũng lưu ý đến kỹ thuật điều tiết nước. Theo đó, từng thửa ruộng phải được rút nước kịp thời, đúng thời vụ, không để ứ đọng trên cánh đồng, đảm bảo cho lúa sinh trưởng để giảm phát thải.
"Quy trình sau khi thu hoạch phải thu gom, không để rơm rạ trên cánh đồng. Việc tận dụng rơm, rạ để làm nấm rơm hoặc cuộn lại để bán, tăng thu nhập của nông dân thị xã Ngã Năm cũng cần được nhân rộng", ông Nam cho biết.
Nhiều tỉnh thành khu vực này phấn khởi bắt tay vào thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với nhiều tâm thế, kỳ vọng mới cho ngành hàng lúa gạo khi xuất khẩu gạo đạt hơn 4 tỉ USD trong năm 2023 vừa qua.