Tăng trưởng mạnh, xuất khẩu cà phê thu gần 1 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2 (1-15/2), cả nước xuất khẩu 56.279 tấn cà phê, kim ngạch đạt 184,36 triệu USD.
Tính chung từ đầu năm đến 15/2, lượng cà phê xuất khẩu đạt 294.545 tấn, kim ngạch đạt 911 triệu USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng 16,7% nhưng kim ngạch tăng tới 66,85%. Như vậy, trị giá bình quân mỗi tấn cà phê xuất khẩu đầu năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trị giá xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến 15/2 đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng tới gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng hơn 900 USD/tấn).
Các thị trường xuất khẩu cà phê chủ yếu của Việt Nam là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Indonesia…
Trong đó, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với 87.748 tấn, kim ngạch 263,2 triệu USD (cập nhật theo thị trường của Tổng cục Hải quan hết tháng 1/2024). Trong khối EU, các thị trường chủ lực như: Đức đạt 26.976 tấn; Italy đạt 22.915 tấn; Tây Ban Nha đạt 16.046 tấn...
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo, năm 2024 tiếp tục có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu cà phê. VICOFA nhận định, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể đạt từ 4,5 - 5 tỷ USD. Nếu về địch được con số dự kiến này, đây sẽ là năm đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu cả phê.
Trước đó, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,62 triệu tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 4,24 tỷ USD, dù giảm 8,7% về lượng nhưng tăng 4,6% về kim ngạch so với năm 2022.
Sức ép nguồn hàng từ Brazil, giá cà phê xuất khẩu biến động
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết phiên tuần giao dịch 19-25/2, giá cà phê tiếp đà suy yếu cùng mức giảm lần lượt 3,43% với Arabica và 3,53% với Robusta. Sự cải thiện từ nguồn cung, kết hợp chênh lệch tỷ giá đã gây sức ép lớn đến giá.
Thông tin trên báo Công Thương, Ban Thư ký Ngoại thương (Secex) cho biết trong ba tuần đầu tháng 2, Brazil đã xuất đi 127.600 tấn, tăng so với 122.400 tấn của cùng kỳ năm trước. Đồng thời, triển vọng nguồn cung tích cực về vụ cà phê 24/25 tại Brazil được củng cố khi Hãng tư vấn StoneX nâng dự báo sản lượng cà phê năm 2024 của Brazil lên 67 triệu bao, tăng 4,2% so với năm 2023. Trước đó, hợp tác xã Cooxupe cũng kỳ vọng sản lượng tại Minas Gerais, bang gieo trồng cà phê chính của Brazil đạt 5,5 triệu bao, vượt mức 5,3 triệu bao trong niên vụ trước.
Đáng chú ý, theo các nhà quan sát, giá cà phê tiếp tục sụt giảm một phần là do sức bán ra khá mạnh từ Brazil - quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới sắp bước vào thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ 2024/2025 kể từ tháng 4/2024 ở những vùng trồng Robusta và tiếp sau vài tháng là thu hoạch cà phê Arabica với sản lượng dự báo tăng. Trong khi đó đồng Real của nước này tiếp tục suy yếu xuống mức thấp 2 tuần đã khuyến khích người Brazil đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu.
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê Robusta tháng 1/2024 của Việt Nam tăng tới 67,45% so với cùng kỳ năm trước cũng gây áp lực, khiến các quỹ đẩy mạnh thanh lý, bất chấp lo ngại nguồn cung đang bị thắt chặt vì vấn đề vận tải hàng hải quốc tế và nhu cầu toàn cầu ngày càng cao.
Thời gian qua, nhu cầu mua để hoàn thiện đơn hàng và áp lực về nguồn cung khiến giá cà phê đã vượt mức 82.000 đồng/kg. Nguồn cung thiếu hụt cũng được dự báo sẽ tiếp tục đẩy giá cà phê đi lên trong thời gian tới.
Việc EU quy định cà phê vào thị trường phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê hiện nay. Bởi nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu về Quy định chống phá rừng của EU, trong khi đó, về cơ bản cà phê Việt đáp ứng được yêu cầu này, dẫn đến khách hàng sẽ ưu tiên mua hàng của Việt Nam.
Ngành cà phê Việt Nam đã có khởi đầu thuận lợi trong tháng đầu tiên của năm 2024 sau khi đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng vào năm ngoái.
Đặc biệt, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm, trong tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU chiếm 37% tổng lượng xuất khẩu của cả nước, đạt 87.748 tấn, với kim ngạch 263,18 triệu USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 17,9% về kim ngạch so với tháng trước; tăng 41,2% về lượng và 94,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường Italia tăng mạnh 35,1% so với tháng 12/2023, Tây Ban Nha tăng 34,1%; ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Đức giảm nhẹ 3,5%...
Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt 15.123 tấn, với kim ngạch 44,28 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và 11,5% về trị giá so với tháng trước; tăng 38,7% về lượng và 97,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang 2 thị trường Nga và Indonesia tăng mạnh 3 chữ số so với tháng trước. Xuất khẩu sang Nga đạt 14.287 tấn, với kim ngạch 41,39 triệu USD, tăng 106,6% về lượng và 104,3% về kim ngạch; Indonesia đạt 13.695 tấn, với kim ngạch 44,37 triệu USD, tăng 233,1% về lượng và 173,7% về kim ngạch.
Lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường lớn khác cũng ghi nhận kết quả tích cực so với tháng trước như: Mỹ và Trung Quốc tăng hơn 3%, đặc biệt Nga và Indonesia tăng tới 106% và 233,1%... Ngược lại, xuất khẩu sang Nhật Bản, Algeria và Hàn Quốc có sự sụt giảm.
Vượt qua thách thức về việc sản lượng ở mức thấp, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong năm 2023 vẫn xác lập mức kỷ lục 4,24 tỷ USD. Sang năm 2024, bối cảnh thị trường có nét khá tương đồng năm cũ khi sản lượng và xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự kiến vẫn chưa có khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang có lợi thế rất lớn về giá.
Thông tin trên báo Đại Biểu Nhân Dân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỉ lệ chế biến sâu. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.
Trúc Chi (t/h)