Trong dịp cao điểm mua sắm năm mới, lần đầu tiên, các chương trình bán hàng trực tiếp - livestream tập trung quy mô lớn diễn ra sôi động từ các hội chợ Tết cho đến chợ truyền thống. Trong tháng 3, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi vào hoạt động một Trung tâm livestream đầu tiên để hỗ trợ các tiểu thương, doanh nghiệp chuyển đổi bán hàng trên số. Điều này cho thấy xu hướng mua sắm kết hợp giải trí - tức shopper-tainment - đang có tác động rất rõ đến thị trường thương mại điện tử nước ta.
Làm sản phẩm áo dài may đo, tưởng như rất khó để bán trực tuyến, nhưng chị Lan vẫn quyết định tham gia chương trình bán qua livestream trên một mạng xã hội giải trí trong dịp Tết vừa qua.
Bà Cao Thị Phương Lan - Giám đốc Công ty Áo dài ơi Phương Lan chia sẻ: "Người mua thay đổi ít nhưng người bán phải thay đổi nhiều. Tôi phải thay đổi toàn diện để tiếp cận, đặc biệt với giới trẻ".
Các tiểu thương áp dụng các phương thức bán hàng trực tuyến
Chưa bao giờ sức ép phải thay đổi của bán lẻ truyền thống thể hiện rõ như hiện nay. Trái ngược với cảnh ế ẩm, đìu hiu tại chợ truyền thống là sự sôi động, tấp nập bán buôn khi tiểu thương áp dụng các phương thức bán hàng trực tuyến.
77 phiên bán hàng trực tiếp livestream với sự tham gia của lực lượng người có ảnh hưởng trên mạng vào giữa tháng 12 đã giúp bán được 18.200 đơn hàng, thu về hơn 4 tỷ đồng cho các tiểu thương. Cho thấy người dùng Việt Nam đang mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội giải trí nhiều hơn trước.
Ông Trần Lâm - Nhà bán hàng, Tác giả sách "Cất cánh trên thương mại điện tử" nêu ý kiến: "Đó là mô hình người ta đẩy hiển thị đến một cách chủ động, đến livestream của các bạn có ảnh hưởng. Để cho hoạt động đó hiệu quả thì điều để ra được đơn hàng tốt nhất là giảm giá. Họ tạo ra một chuỗi liên tục giảm giá, liên tục cạnh tranh với nhau".
105.000 là con số các gian hàng trực tuyến đã đóng cửa trên "Big 4" của thương mại điện tử một thời là 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo trong năm 2023. Cùng thời điểm, 95.000 các gian hàng mới gia nhập một sàn mới nổi - đó là TikTok Shop. Con số này đang cho thấy một sự dịch chuyển, hay đơn giản chỉ là đào thải.
Một số báo cáo cho thấy năm vừa qua TikTok Shop đã gia tăng thị phần. Nhưng theo một số chuyên gia, không đủ cơ sở để nói rằng lượng nhà bán hàng rời 4 sàn để dịch chuyển qua TikTok. Một thống kê cho thấy giá trị mua hàng trung bình của ba sàn Tiki, Lazada và Shopee cũng cao hơn đáng kể so với TikTok Shop, cho thấy những ngành hàng giá trị cao vẫn được người dùng ưu tiên mua trên các sàn.
"Thực tế khi một người có phát sinh nhu cầu mua hàng, họ sẽ mua ngay trực tiếp trên nền tảng họ đang giải trí. Nhưng cũng có những người đi tìm kiếm sản phẩm đó, so sánh trên các nền tảng khác nhau, việc đó sẽ kích thích thị trường chung của thương mại điện tử Việt Nam đều có sự tăng trưởng", ông Phạm Bảo Trung - Giám đốc Kinh doanh, Nền tảng dữ liệu TMĐT Metric nhận định.
Năm 2023, tổng số nhà bán hàng giảm hơn 1% so với năm trước đó, tương ứng 10.000 gian hàng trực tuyến đóng cửa. Tuy nhiên, theo giới quan sát, lượng sụt giảm chủ yếu là nhà bán nghiệp dư nhỏ lẻ, còn xu hướng các doanh nghiệp lớn, nhà bán chuyên nghiệp dịch chuyển lên đa kênh trực tuyến vẫn không bị đảo ngược.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!