Trong đề xuất mới nhất gửi UBND TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhận định việc rà soát kết nối với các tuyến cao tốc phù hợp quy hoạch về định hướng phát triển các khu vực đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu đô thị mới, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế.
Các dự án, tuyến cao tốc được rà soát để kết nối đồng bộ gồm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Trung Lương, đường vành đai 3 và 4.
Mở rộng, mở điểm kết nối với cao tốc hiện hữu
Theo báo cáo, đối với các dự án cao tốc đã khai thác có một số điểm đáng lưu ý. Như đối với tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng và bổ sung chỗ ra, vào kết nối đường Long Phước, TP Thủ Đức.
Dự án mở rộng tuyến này gồm đoạn từ nút giao thông An Phú đến đường vành đai 2 lên 8 làn xe, dài khoảng 4km do TP đầu tư. Và đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài khoảng 21,92km do VEC làm chủ đầu tư.
Đối với dự án này, TP cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung chỗ ra, vào với đường Long Phước, TP Thủ Đức. Việc này giúp tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho TP Thủ Đức và Khu đô thị sáng tạo.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đề xuất đầu tư hoàn thiện các nhánh kết nối và mở rộng.
Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công dang dở và vừa được gỡ vướng, tái khởi động. TP.HCM đặc biệt chú ý tới các nút giao qua địa bàn. Có hai nút giao trong quy hoạch với quốc lộ 50 và đường Nguyễn Văn Tạo sẽ được hoàn thành giai đoạn 1 theo nguồn vốn của VEC.
TP kiến nghị sẽ đầu tư hoàn chỉnh các nút giao này giai đoạn sau bằng các dự án riêng để phù hợp với tình hình phát triển đô thị của khu vực và phát huy hiệu quả đầu tư của các dự án liên quan.
Đặc biệt, TP cũng tính toán và đề xuất mở kết nối cao tốc này với đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ). Trước đây do ADB và JICA không đồng thuận đưa vào dự án.
Tuy nhiên Sở Giao thông vận tải đánh giá đường Rừng Sác độc đạo kết nối trung tâm TP, tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận đến huyện Cần Giờ. Việc kết nối giao thông đến huyện chủ yếu thông qua hệ thống giao thông đường thủy. Do đó mở nút giao kết nối vào cao tốc là cần thiết.
Rà soát kết nối các tuyến đang, sắp xây dựng
Tuyến đường vành đai 3 TP.HCM hiện nay có 10 vị trí nút giao. Sở Giao thông vận tải đề xuất bổ sung thêm chỗ ra, vào cao tốc với đường Phước Thiện, TP Thủ Đức.
Việc này tạo thuận lợi kết nối giao thông và phát triển đô thị TP Thủ Đức trong tương lai. Đặc biệt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân hai bên tuyến đường vành đai 3 nên rất cần thiết.
Tuyến này còn được đề xuất đầu tư hoàn chỉnh nút giao thông Gò Công và nhánh nối đường xa lộ Hà Nội đến nút giao Gò Công.
Chuẩn bị đầu tư tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu kết nối đường vành đai 3 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Và đường Võ Văn Kiệt nối dài kết nối đến đường vành đai 3.
Đầu tư đường dẫn kết nối với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Bổ sung quy hoạch tuyến kết nối đường vành đai 2 đến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Hiện nay, việc kết nối từ trung tâm TP lên khu vực tây bắc và tỉnh Tây Ninh chỉ dựa vào quốc lộ 22. Tuyến đường này có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Do đó, TP đang nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường dẫn kết nối từ đường vành đai 2 đến nút giao cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và đường vành đai 3 nhằm tăng cường khả năng kết nối và tạo trục giao thông mới, góp phần giảm tải cho quốc lộ 22.
Sau nhiều năm hoang hóa, khi nguồn vốn được gỡ, những ngày gần đây công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành rộn ràng máy móc thi công trở lại.