Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) với 4 nhóm tội danh.
Trong số 31 bị can bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC; và Trương Văn Tài, lái xe riêng của ông Quyết.
Theo kết luận điều tra, dù không bỏ tiền mua cổ phần góp vốn vào Công ty CP xây dựng Faros (Công ty Faros) nhưng ngày 19.5.2015, theo yêu cầu của bị can Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết), ông Tài đã ký 2 hợp đồng khống nhận chuyển nhượng 2 triệu cổ phần tại Công ty Faros, tương đương 20 tỉ đồng.
Xem nhanh 20h ngày 26.2: Ông Trịnh Văn Quyết dùng tiền chiếm đoạt để sửa biệt thự | Ai cần đổi thẻ căn cước?
Tiếp đó, từ ngày 27.5 - 1.12.2015, với danh nghĩa cá nhân, ông Tài tiếp tục ký 10/14 chứng từ với giá trị 302/261 tỉ đồng (có 4 giấy nộp tiền mặt giá trị 59 tỉ đồng mang tên nhưng không phải do ông Tài ký) để bà Huế dùng danh nghĩa ông Tài thực hiện các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền vào, rút tiền quay vòng góp vốn làm tăng giá trị góp vốn của ông Tài từ 20 tỉ đồng lên 230 tỉ đồng, tương ứng 23 triệu cổ phần, qua đó làm tăng vốn điều lệ của Công ty Faros từ 225 tỉ đồng lên 3.037 tỉ đồng trong lần tăng vốn thứ 2 và thứ 3.
Ngày 28.1.2016, trước khi Công ty Faros được niêm yết, theo yêu cầu của bà Huế, ông Tài ký hợp đồng chuyển nhượng trả lại 23 triệu cổ phần cho bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) mà không được nhận tiền.
C01 xác định hành vi của ông Tài đã giúp ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thực hiện hành vi nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, lừa đảo hơn 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư.
Tại cơ quan điều tra, ông Tài khai nhận toàn bộ hành vi của mình nhưng không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, ông Tài khai chỉ làm công ăn lương 6 triệu đồng/tháng chứ không hưởng lợi gì từ hành vi vi phạm của mình.
Theo kết luận điều tra, trong thời gian từ năm 2014 - 2016, thực tế các cổ đông chỉ góp 1.197 tỉ đồng vốn điều lệ vào Công ty Faros nhưng với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân có liên quan thực hiện lập và ký khống hồ sơ, chứng từ góp vốn khống 3.102 tỉ đồng, làm tăng khống vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này lên 4.300 tỉ đồng.
Sau đó, các bị can đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty Faros trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM để bán và chiếm đoạt hơn 3.620 tỉ đồng của các nhà đầu tư.