Đi đường cao tốc, đặt dịch vụ qua app
Mấy ngày giáp tết, anh Nguyễn Xuân Hiệp (tỉnh Bắc Giang) chở vợ cùng 2 con đến TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bằng ô tô 7 chỗ. Trên đường đi, hễ ở đâu có cảnh đẹp, điểm du lịch hấp dẫn, anh Hiệp lại đánh xe vào để cả nhà tham quan. Chiều 29 tết, anh Hiệp mới đến Huế để kịp chụp bộ ảnh ở làng hương Thủy Xuân, sau đó thuê khách sạn ở trung tâm TP Huế để ở đến mùng Hai tết, tối ngủ, ngày tham quan các danh thắng, di tích của cố đô.
Du lịch tự túc khiến các địa điểm du lịch dễ bị quá tải, giảm chất lượng dịch vụ. Ảnh chụp tại khu du lịch Tràng An, Ninh Bình sáng mùng Ba tết Giáp Thìn - Ảnh: V.P. |
Anh Đỗ Đức Mạnh (TP Hà Nội) cũng đưa 3 con trai đến TP Huế bằng ô tô, cho con tham quan Đại Nội. Anh kể: “Mình đã nhiều lần đến Huế nhưng các con thì chưa. Năm nay, vợ và con gái ở nhà, mình dẫn 3 con trai đi phượt ở Huế. Đợt này, mình ở Huế hơn 1 tuần (từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng Bảy tháng Giêng), đưa con đi cho bằng hết các cảnh quan, di tích”.
Dịp nghỉ tết Giáp Thìn, nhiều gia đình, nhóm bạn ở TPHCM tự đưa nhau đi du lịch Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long theo tour tự thiết kế. Việc thông xe nhiều tuyến đường cao tốc, cầu vượt sông đã giúp họ đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn. Do đó, các điểm đến du lịch trong nước đông nghẹt khách vào các ngày đầu năm mới. Theo ông Từ Quý Thành - Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang - tết là mùa cao điểm du lịch. Đây là dịp mà người dân thường kết hợp giữa việc về thăm quê với du lịch.
Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch - nhận định, du lịch tự túc là xu hướng tất yếu khi nhiều người có ô tô riêng hoặc dễ dàng thuê ô tô để tự lái. Mọi người cũng dễ dàng tìm được điểm đến, đặt dịch vụ thông qua các ứng dụng (app). Việc du khách quay video, chụp ảnh check-in (đánh dấu sự có mặt) càng giúp cho các địa điểm du lịch được biết đến nhiều hơn, kích thích các cá nhân, nhóm khác tìm đến.
Nắm rõ xu hướng để làm du lịch tốt hơn
Theo ông Từ Quý Thành, sự gia tăng lượng khách du lịch tự túc khiến các địa điểm du lịch đông vui, nhộn nhịp hơn, doanh thu cũng tăng cao. Nhưng điều này chỉ diễn ra trong mùa cao điểm du lịch (dịp lễ, tết, nghỉ hè), không mang tính bền vững. Dịp thấp điểm, các địa điểm này lại vắng khách. Các địa điểm du lịch cần có giải pháp để lượng khách và nguồn thu đều đặn trong năm. Việc tăng nóng du khách khiến chất lượng phục vụ ở một số điểm du lịch không đạt yêu cầu.
Ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour - cho rằng, trước xu hướng gia tăng lượng người đi du lịch tự túc, các đơn vị lữ hành buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, các công ty buộc phải tăng cường ứng dụng công nghệ, tăng sản phẩm du lịch dạng option (lịch trình được thiết kế theo yêu cầu của khách).
Theo tiến sĩ Dương Đức Minh, trước xu hướng khách chuộng đi du lịch tự túc, các địa điểm du lịch cần có kế hoạch để chủ động trong việc đón tiếp khách để không rơi vào tình trạng quá tải, bảo đảm được chất lượng các dịch vụ. Các đơn vị lữ hành cũng phải tăng giá trị trải nghiệm cho khách đi theo đoàn, theo tour trọn gói. Nếu doanh nghiệp cho khách thấy việc đi theo tour trọn gói rẻ hơn đi tự túc, có nhiều trải nghiệm thú vị hơn thì khách sẽ chọn đi theo tour thay vì tự đi.
Bà Phan Yến Ly - chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch ở TPHCM - cho rằng, các doanh nghiệp lữ hành phải thích nghi với sự thay đổi hành vi tiêu dùng của khách, như tăng cường sáng tạo sản phẩm riêng, sao cho với cùng điểm đến, chỉ khi đi theo tour, khách mới có những trải nghiệm thú vị. Các doanh nghiệp cũng cần chia nhỏ tour để bán từng phần dịch vụ thay vì bán trọn gói. Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành cũng cần liên kết chặt chẽ hơn với địa điểm du lịch để đưa ra được quyền lợi tốt nhất cho khách hàng mua tour.
Theo ông Từ Quý Thành, khách sạn, nhà hàng, quán ăn ở các địa điểm du lịch đều là cơ sở kinh doanh; họ phải tăng giá trong mùa cao điểm để bù đắp cho sự bết bát trong mùa thấp điểm. Do đó, để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, ổn định, cần có cơ quan điều hành tổng thể, từ đó hạn chế tình trạng “chặt chém”, chênh lệch giá cả giữa mùa cao điểm và thấp điểm du lịch. Cơ quan này có thể đề xuất các chính sách hỗ trợ về thuế, giá điện sinh hoạt, các khoản vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các đơn vị làm du lịch, bao gồm lữ hành, nhà hàng, khách sạn để các đơn vị này giữ ổn định giá cả. |
Quốc Thái - Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.7572151a-cut-ut-hcil-ud-yad-cuht-iol-nauht-gnoht-oaig/nv.moc.enilnounuhp.www