LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, VẬT LIỆU MỚI
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), các nhà khoa học, nhà sản xuất trong nước đã làm chủ công nghệ y sinh, trong đó có nghiên cứu phát triển và sản xuất vắc xin đã giúp trong nước bảo đảm 11/12 loại vắc xin tiêm chủng với cả trăm ngàn mũi tiêm an toàn mỗi năm. Đặc biệt, các vắc xin đã giúp các trẻ em Việt Nam trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng được bảo vệ trước nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sởi, rubella, viêm gan B, viêm não Nhật Bản…
TS Quang đánh giá thời gian tới, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các định hướng phát triển KH-CN của Bộ KH-CN, phát triển và ứng dụng công nghệ y tế trong các chuyên ngành với sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia y tế và chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI), gồm những ưu tiên: khai thác các hình ảnh y tế, ứng dụng AI áp dụng máy học trong phân tích, xử lý hình ảnh y tế, như hình ảnh nội soi tiêu hóa, hình ảnh X-quang phổi, chụp vú, cộng hưởng từ gan, điện tim, điện não, phát hiện và khoanh vùng tổn thương… Việc này nhằm đưa ra mô hình AI hỗ trợ cho sàng lọc, chẩn đoán và đào tạo chuyên ngành cho các tuyến, từ đó tiến tới hỗ trợ cho điều trị và tiên lượng bệnh.
Theo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, về nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược chất phục vụ công nghiệp bào chế thuốc, Bộ Y tế đang triển khai các công việc cụ thể thúc đẩy dần tỷ lệ nguyên liệu dược chất trong nước với việc phát huy ưu thế, tiềm năng về dược liệu và thuốc y học cổ truyền; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu và sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước.
Ông Quang cho hay các nhà khoa học trong nước đang tiếp thu, làm chủ công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền, nghiên cứu về biệt hóa tế bào gốc, kháng thể đơn dòng. Đã bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao như: máy siêu âm, X-quang, laze, sản xuất stent sử dụng trong tim mạch, thủy tinh thể trong nhãn khoa.
"Hay trong đại dịch Covid-19, việc chuyển giao và ứng dụng thành công trong sản xuất máy thở phục vụ bệnh nhân Covid-19 khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu sản xuất một số trang thiết bị y tế công nghệ cao", ông Quang thông tin.
Ứng dụng ai sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh di truyền
Tại diễn đàn nghiên cứu, ứng dụng công nghệ y tế do Bộ Y tế tổ chức mới đây, PGS-TS Nguyễn Thị Trang, giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Hà Nội, Phó tổng thư ký Hội Di truyền y học Việt Nam, nhìn nhận việc sử dụng các công nghệ số, với nòng cốt là dữ liệu lớn và AI để xây dựng nền y tế thông minh được coi là chiến lược quốc gia. Qua đó, các công nghệ số, phân tích dữ liệu được ứng dụng để phát triển các giải pháp chẩn đoán bệnh sớm, với chi phí phù hợp và dễ dàng tiếp cận người dùng ở quy mô lớn. Trong nước, AI đang từng bước được ứng dụng trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị một số bệnh di truyền hay gặp.
TS Trang cho rằng nếu như các bệnh truyền nhiễm ngày càng có xu hướng giảm dần, thì các bệnh liên quan đến tính chất di truyền ngày càng gia tăng, đặc biệt các bệnh di truyền thường để lại di chứng nặng nề không chỉ trên bản thân bệnh nhân mà còn di truyền cho các thế hệ sau, thậm chí gây băng hoại nòi giống. Di truyền học giống như một nền tảng cơ bản cho mọi sự sống và phát triển của loài người và sinh vật khác.
"Di truyền học gắn với lâm sàng để thực tế hóa các nguyên lý và cơ chế phát sinh bệnh trên bệnh nhân cụ thể, góp phần hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng đưa ra phác đồ dự phòng và điều trị phù hợp", TS Trang chia sẻ.
Theo Hội Di truyền y học Việt Nam, các nghiên cứu trong nước đã phát triển thành công hệ thống phần mềm hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường hay gặp ở Việt Nam và đã thử nghiệm ứng dụng tại một số cơ sở y tế (Bệnh viện (BV) Phụ sản T.Ư, BV Phụ sản Hà Nội và BV ĐH Y Hà Nội); xây dựng được hệ thống module phần mềm AI hỗ trợ sàng lọc trước sinh với một số bệnh thường gặp, như hội chứng Down, hội chứng Patau (một dị tật bẩm sinh do bất thường nhiễm sắc thể gây ra), hội chứng Edward (rối loạn di truyền do bị thừa một nhiễm sắc thể số 18 trong bộ gien).
Đặc biệt, hệ thống sàng lọc người mang gien thalassemia (tan máu bẩm sinh) với độ chính xác, độ nhạy, độ đặc hiệu của mô hình tốt nhất đều đạt trên 95% so với tiêu chuẩn vàng là kết quả chẩn đoán mẫu ối và xét nghiệm gien thalassemia.
Cùng đó, trong nước đã phát triển thành công phần mềm tự động phân tích dữ liệu giải mã gien ứng dụng chẩn đoán và tiên lượng điều trị ung thư với tính năng có thể tự động phân tích dữ liệu giải trình tự gien thô, gọi đột biến và xác định khả năng đáp ứng hóa trị, xạ trị hay điều trị đích, gợi ý thuốc điều trị đích từ dữ liệu gien. Phần mềm đã được xây dựng để chẩn đoán và tiên lượng điều trị 5 loại ung thư thường gặp: ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vú, ung thư tuyến giáp và ung thư trực tràng. Giao diện của phần mềm sẽ phân loại cho từng loại ung thư với các tính năng giới thiệu bệnh học, dịch tễ, dữ liệu gien và thuốc điều trị đích, các phương pháp điều trị. Phần mềm đã được đưa lên website AICANCER.Việt Nam.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu trong nước đang phát triển phần mềm AI trên nền tảng app di động ứng dụng sàng lọc trước sinh nguy cơ mắc bất thường bẩm sinh hay gặp tại Việt Nam, phát triển phần mềm AI tự động phân tích dữ liệu giải mã gien ứng dụng trong chẩn đoán và tiên lượng điều trị ung thư…
WHO đánh giá 4 điểm sáng của ngành y tế Việt Nam
Tham dự cuộc họp của Bộ Y tế với nhóm đối tác y tế, được tổ chức cuối tháng 1.2024 tại Hà Nội, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đã chỉ ra 4 điểm sáng của ngành y tế Việt Nam trong năm 2023.
Điểm sáng đầu tiên liên quan đến tài chính y tế bền vững. Cụ thể, luật BHYT đang trong quá trình sửa đổi nhằm mục đích tăng cường công tác quản lý bảo hiểm và hướng tới tăng tỷ lệ bao phủ từ mức đã rất ấn tượng hiện là hơn 93% dân số.
Điểm sáng thứ hai là chăm sóc sức khỏe ban đầu (y tế cơ sở). Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư và Nghị quyết 99 của Quốc hội ban hành trong năm 2023 là những văn bản quan trọng nhằm phục hồi và củng cố hệ thống y tế cơ sở của Việt Nam. Xã hội khỏe mạnh là một xã hội trong đó mọi người đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu mọi lúc, mọi nơi.
Điểm sáng thứ ba, theo bà Angela Pratt, chúng ta có thêm nhiều bằng chứng cho thấy mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, và nội dung này tiếp tục là trọng tâm trong những nỗ lực chung của nhóm đối tác phát triển và ngành y tế.
Cuối cùng, là khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh và đại dịch của Việt Nam. Việt Nam đã chuyển đổi sang cơ chế "quản lý bền vững" dịch bệnh Covid-19 rất thành công.
Thúy Anh
Cùng với hệ thống quản lý thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận, thêm cơ hội người bệnh Việt Nam được tiếp cận thuốc và các phương pháp điều trị mới, trong thực tế điều trị, các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu. Các kỹ thuật trong can thiệp tim mạch, ung thư, hồi sức cấp cứu; sinh học phân tử, y học hạt nhân, trị liệu tế bào được triển khai với chi phí chỉ bằng 1/2 - 1/3 so với điều trị tại nước ngoài.
Thực tế đó không chỉ giúp y học Việt Nam tiếp cận, làm chủ các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, giúp người bệnh Việt Nam không phải ra nước ngoài điều trị, mà nhiều bệnh nhân nước ngoài có bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, hoặc các tình huống sức khỏe nguy cấp đã được điều trị tại Việt Nam, trong đó có phẫu thuật tim mạch, ung thư, điều trị hiếm muộn…
Việt Nam đã hoàn thiện quy chế về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và có các đơn vị nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đạt chuẩn tham gia nghiên cứu lâm sàng, đánh giá hiệu quả các sản phẩm thuốc mới của các tập đoàn dược phẩm lớn của thế giới. Đó cũng là cơ hội để y tế Việt Nam, người bệnh trong nước tiếp cận thuốc, phương pháp điều trị mới.
TS Nguyễn Ngô Quang