Ngày 18/1/2024, Quốc Hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Luật mới hướng đến giảm rủi ro tập trung đối với khách hàng lớn và cổ đông lớn tại các ngân hàng. Những biện pháp mới này sẽ giúp cải thiện hoạt động quản trị rủi ro và tập quán kinh doanh, cũng như giúp cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng.
Ngoài ra, Luật mới đưa ra các quy định chi tiết và rõ ràng hơn về quyền hạn của cơ quan quản lý để can thiệp và giải quyết các vấn đề tại các ngân hàng yếu kém nhanh chóng và hiệu quả, ví dụ trường hợp rút tiền hàng loạt.
Theo VIS Rating, yêu cầu giảm tập trung tín dụng, giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông và yêu cầu công bố thông tin chặt chẽ hơn thể hiện mục tiêu của cơ quan quản lý nhằm cải thiện quản trị rủi ro và tập quán kinh doanh ngân hàng.
Những vụ việc gần đây của các ngân hàng gặp khó khăn về tài chính phản ánh mối liên kết giữa ngân hàng và các tập đoàn doanh nghiệp lớn thường vượt quá giới hạn quy định. Theo Luật mới, tổng dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó - dựa trên định nghĩa mới và mở rộng về người có liên quan - được giới hạn ở mức 10-15% vốn tự có của ngân hàng, giảm từ mức 15-25% trước đây.
Một số ngân hàng gặp khó khăn có rủi ro tập trung với khách hàng lớn và cổ đông lớn cao hơn nhiều so với quy định |
Cổ đông là tổ chức trong nước và người có liên quan của cổ đông chỉ được phép nắm giữ tối đa 10-15% vốn điều lệ, giảm từ mức 15-20% trước đây.
Ngoài ra, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ bắt buộc phải công bố thông tin, so với mức 5% trước đây.
Cổ đông ngân hàng sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên hiện phải công bố thông tin sở hữu, so với mức 5% trở lên trước đây |
Những biện pháp thắt chặt này sẽ giúp hạn chế mối liên kết giữa ngân hàng và các tập đoàn doanh nghiệp lớn thường vượt quá các giới hạn quy định như đã xảy ra trong các sự kiện gần đây và thúc đẩy các ngân hàng tăng cường quản trị rủi ro nội bộ và hoạt động cho vay.
Bên cạnh đó, quy định rõ ràng và chi tiết hơn về quyền hạn của cơ quan quản lý trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém giúp cơ quan quản lý có thể can thiệp nhanh chóng và kịp thời để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.
Các quy định mới bao gồm các tiêu chí cụ thể liên quan đến khả năng thanh toán và thanh khoản của ngân hàng nhằm đảm bảo sự can thiệp sớm từ cơ quan quản lý. Ngoài ra, các quy định này còn nêu rõ hơn về quyền hạn của cơ quan quản lý trong việc xử lý các ngân hàng đặt vào kiểm soát đặc biệt.
Luật mới cũng cung cấp cho các ngân hàng khuôn khổ pháp lý phù hợp để hỗ trợ các nỗ lực thu hồi nợ xấu trong tương lai.
Cụ thể, Luật mới bổ sung mới các cơ chế đã được các ngân hàng sử dụng để xử lý nợ xấu và cải thiện khả năng thu hồi nợ trong những năm gần đây, bao gồm việc mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm, đã được thực hiện theo Nghị quyết 42 (hết hiệu lực tháng 12/2023).
Các ngân hàng đã cải thiện kết quả thu hồi nợ xấu trong giai đoạn 2017-2021 |
Theo VIS Rating, một điểm trừ là việc thu hồi nợ có thể mất nhiều thời gian hơn do Luật mới không quy định về việc ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm và phải dựa vào sự hợp tác của người đi vay và quyết định của tòa án.