Dựa trên thông số kỹ thuật, C919 nằm trong phân khúc cạnh tranh trực tiếp với hai "ông lớn" Airbus A320neo và Boeing 737 MAX. Do đó, giới quan sát đặc biệt quan tâm liệu Trung Quốc và C919 có thể phá vỡ thế độc quyền trong ngành hàng không dân dụng vốn đã được Airbus và Boeing chia sẻ trong nhiều năm qua hay không.
Nhân tố mới cạnh tranh về giá
C919 là sản phẩm được Tập đoàn Hàng không thương mại Trung Quốc (COMAC) thai nghén, phát triển suốt 15 năm. Sau nhiều lần trễ hẹn, sáng 28-5-2023 chuyến bay mang số hiệu MU9191 từ sân bay quốc tế Hồng Kiều (Thượng Hải) đến sân bay Bắc Kinh đã hạ cánh an toàn, đánh dấu chuyến bay thương mại đầu tiên của dòng máy bay này.
Theo báo Japan Times, hiện cả thế giới mới chỉ có bốn chiếc C919 đang được khai thác và tất cả đều của Hãng China Eastern. Tuy nhiên vào cuối năm 2023, COMAC khẳng định đã nhận khoảng 1.000 đơn đặt hàng C919, chủ yếu từ các hãng bay trong nước.
Bắc Kinh giao chỉ tiêu cho C919 chiếm 10% thị trường máy bay dân dụng trong nước vào năm 2025, theo báo South China Morning Post.
Tuy nhiên, để thật sự thành công, C919 phải vươn ra ngoài biên giới. Nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator Max Zenglein cho biết: "Để cạnh tranh với Airbus và Boeing, COMAC phải thâm nhập được thị trường nước ngoài".
Do COMAC chưa có tiếng tăm nên hầu hết các hãng bay đều muốn theo dõi hiệu quả khai thác thực tế của C919 trước khi đi đến quyết định "chọn mặt gửi vàng" dòng máy bay mới của họ.
Về thông số, bản tiêu chuẩn của C919 có sức chứa 192 hành khách, tầm bay khoảng 4.600km cho phiên bản tiêu chuẩn và 5.555km cho phiên bản điều chỉnh.
Các thông số này thua thiệt tương đối so với hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Phiên bản lớn nhất của Airbus A320neo và Boeing 737 MAX có thể chở tối đa lần lượt 240 và 230 khách, trong khi tầm bay của cả hai dòng lên đến 6.500km.
Vì vậy, ưu thế cạnh tranh lớn nhất của C919 là giá. Mỗi chiếc C919 đang được bán với giá 99 triệu USD, thấp hơn từ 6 - 11% so với đối thủ. Tuy nhiên, số tiền thực tế hãng bay trong nước phải trả cho COMAC có thể còn giảm sâu nhờ các chương trình trợ giá của Chính phủ. Điều này khiến C919 phù hợp với các hãng bay nhỏ, chuyên khai thác những chặng bay ngắn.
Cần hoàn thiện hệ sinh thái
Để có thể vận hành hiệu quả, mỗi dòng máy bay dân dụng đều cần sự hỗ trợ của một hệ sinh thái chuyên biệt. Do đó, bên cạnh việc thuyết phục bằng hiệu quả khai thác, COMAC và C919 còn phải giải quyết nhiều nút thắt để hoàn thiện các hệ thống hỗ trợ.
Trước hết, C919 mới chỉ được Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) chứng nhận an toàn, đồng nghĩa với việc nó chỉ được hoạt động tại một số nước chấp thuận tiêu chuẩn của Bắc Kinh. Để có thể "phủ sóng" toàn cầu, C919 phải đạt hai tiêu chuẩn vàng quốc tế là chứng nhận của Cơ quan hàng không liên bang Mỹ và Cơ quan an toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA). Theo truyền thông Trung Quốc, nếu thuận lợi, C919 sẽ đạt chuẩn EASA trong năm 2024.
Một nút thắt tiềm ẩn với C919 là sự phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài. COMAC mới chỉ nội địa hóa được hơn 50% dây chuyền sản xuất C919 và phải nhập khẩu toàn bộ các linh kiện chủ chốt như động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống hạ cánh... từ các công ty nước ngoài, trong đó có Mỹ.
Cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết giữa Mỹ nói riêng và các nước phương Tây nói chung với Trung Quốc có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng linh kiện bất cứ lúc nào, điều này có thể là yếu tố khiến các khách hàng của COMAC e ngại.
Ngoài ra, việc hệ thống bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành (MRO) cho C919 chưa được hoàn thiện cũng là vấn đề khiến các khách hàng e ngại. Chuyên gia công nghiệp hàng không Trung Quốc Li Hanming cho biết hiện chưa có đơn vị thứ ba nào cung cấp dịch vụ MRO cho C919 và tất cả quy trình trên đang được tiến hành bởi chính COMAC hoặc Hãng China Eastern.
Dù vậy, bên cạnh những thách thức, C919 cũng đang hưởng lợi tương đối nhiều từ tình hình khách quan. Một loạt bê bối về lỗi kỹ thuật của Boeing 737 MAX trong thời gian gần đây đang khiến niềm tin của thị trường vào dòng máy bay này giảm rõ rệt.
Trong khi đó, Airbus đang quá tải với một danh sách đơn hàng cần hoàn thành quá lớn. Theo ông David Yu - chủ tịch Công ty tư vấn định giá hàng không châu Á, đây chính là cơ hội vàng để COMAC vươn lên giành lấy thị phần trong nước và quốc tế.
C919 tiếp cận thị trường Đông Nam Á
Ngày 20-2, một chiếc C919 và một máy bay phản lực nhỏ ARJ21 đã có mặt tại Triển lãm hàng không Singapore. Ngay trong ngày khai mạc triển lãm, COMAC tự hào tuyên bố đã ký đơn hàng 40 chiếc C919 và 10 chiếc ARJ21 với Hãng Tibet Airlines có trụ sở tại khu tự trị Tây Tạng.
Chỉ một ngày sau khi sự kiện trên kết thúc, ngày 26-2 chiếc C919 và chiếc ARJ21 bay thẳng sang sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) để bắt đầu hai tuần liên tục đi chào hàng hai dòng máy bay này tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia. Theo Hãng tin Reuters, chuyến đi này nhằm kiểm tra khả năng tương thích của C919 với sân bay và lộ trình bay của các nước Đông Nam Á.
TTCT - Hôm chủ nhật 28-5, máy bay chở khách Comac C919 của Trung Quốc đã thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên kéo dài khoảng hai giờ từ Thượng Hải đến Bắc Kinh cùng khoảng 130 hành khách.