Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã chính thức kéo sang năm thứ ba, kể từ lúc Matxcơva phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24-2-2022.
Các nước phương Tây đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine. Tuy nhiên, sự ủng hộ này dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính, vũ khí, và đào tạo kỹ thuật. Phương Tây đa phần không muốn trực tiếp tham gia vì sợ xung đột lan rộng.
Mọi chuyện đã khác đi đôi chút khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đề cập tới khả năng đưa quân tới Ukraine.
Dù chuyện này trước mắt không được các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng ý, phía Nga cũng đã có phản ứng mạnh mẽ.
Hôm 27-2, ông Kosachev khẳng định khả năng NATO triển khai lính tới Ukraine sẽ dẫn tới một "kịch bản thảm khốc", và điều này có thể được diễn giải như "lời tuyên bố chiến tranh" đối với Nga.
Phát biểu của ông Kosachev tương tự phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trước đó, khi ông cho rằng việc NATO đưa quân tới Ukraine sẽ khiến một cuộc chạm trán trực tiếp giữa Nga và nhóm do Mỹ dẫn đầu không chỉ "có khả năng", mà thực tế là "không thể tránh khỏi".
Tính tới nay, các nước NATO đa số bác bỏ đề xuất của Tổng thống Macron. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố không có kế hoạch đưa lính NATO tác chiến tại Ukraine.
Mỹ cũng tuyên bố sẽ không gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine, sau khi tổng thống Pháp bóng gió về khả năng này. "Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Mỹ sẽ không gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine", phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Adrienne Watson nói, khi ông Biden gặp các nhà lập pháp hàng đầu tại Nhà Trắng để thảo luận về các vấn đề tài trợ, bao gồm cả viện trợ cho Ukraine.
Ngay sau đó, Lầu Năm Góc cũng khẳng định họ không có kế hoạch đưa quân tới chiến đấu ở Ukraine.
Điện Kremlin cảnh báo xung đột giữa Nga và liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu là không thể tránh khỏi nếu các thành viên NATO gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine.