Sau bước sóng đầu tiên vào tháng 1, tỷ giá giữa VND và USD vừa qua đỉnh sóng thứ 2 ngay đầu tuần này. Đã có lúc tỷ giá bán ra tại các ngân hàng thương mại được niêm yết ở mức 24.870 đồng/USD, tăng tới 60 - 70 đồng so với phiên giao dịch trước đó. Đây cũng là mức giá cao nhất từ đầu năm, tuy nhiên tỷ giá cũng đã hạ nhiệt ngay sau đó. Vậy tại sao lại có diễn biến này?
Với bộ 3 lãi suất, tỷ giá và lạm phát có mối quan hệ mật thiết với nhau, khi lạm phát không phải là vấn đề kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại, lãi suất liên tục điều chỉnh giảm và xuống mức thấp kỷ lục thì tỷ giá biến động là điều có thể lý giải được, nhất là tỷ giá chịu tác động rất nhiều từ thị trường thế giới.
Tính từ đầu năm tới nay, DXY đã tăng tới 2,33%, trong khi mức biến động trong nước ghi nhận cao nhất là 1,8%. Sau khi tỷ giá ghi nhận mức tăng 60 - 70 đồng/USD ngày đầu tuần, cũng đã hạ nhiệt ngay sau đó. Hiện tỷ giá giữa VND và USD tại nhiều ngân hàng đã quay trở về mặt bằng giá cuối tuần trước, thậm chí là thấp hơn. Như tại Vietcombank, tỷ giá đang đứng ở mức mua vào 24.430 đồng/USD, bán ra 24.800 đồng/USD.
Tỷ giá giữa VND và USD đã ghi nhận nhiều diễn biến từ đầu năm đến nay. Ảnh minh họa.
Còn trên thị trường liên ngân hàng, ghi nhận mức biến động tỷ giá khoảng 1,5% kể từ đầu năm. Nhưng theo giới kinh doanh ngoại hối, việc biến động này chỉ mang tính thời điểm.
"Tôi nghĩ nó đến từ hai vấn đề lớn. Thứ nhất, trên thị trường quốc tế, nó đến từ việc nhà đầu tư giảm kỳ vọng về việc giảm lãi suất vì lạm phát giảm chậm. Trong nước, chúng tôi thấy chu kỳ xuất khẩu quay trở lại bình thường thì doanh nghiệp sẽ nhập khẩu rồi sau đó sẽ xuất khẩu nên có những sự lệch pha về cung - cầu ngoại tệ ở những thời điểm nó tạo những biến động", ông Huỳnh Duy Sang - Giám đốc Khối Thị trường Tài chính - Ngân hàng Á Châu (ACB) nhận định.
PMI tháng 1 lên lại trên 50 điểm. Các đơn hàng xuất khẩu đã quay trở lại. Theo các chuyên gia, việc tỷ giá tăng mang tính thời điểm để phục vụ nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu, do đó có thể nhìn nhận là tích cực.
Ông Huỳnh Duy Sang - Giám đốc Khối Thị trường Tài chính - Ngân hàng Á Châu (ACB) đánh giá: "Về tổng thể chúng ta vẫn là một nước xuất siêu. Thưa hai, nguồn ngoại tệ như từ FDI, từ kiều hối vẫn về tốt. Cán cân tổng thể chúng ta vẫn dự báo là thặng dư. Chúng tôi nghĩ áp lực tỷ giá năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Khi lãi suất USD vẫn neo cao và chưa biết lộ trình có giảm hay không, về tổng thể chúng tôi dự báo tỷ giá năm nay sẽ không biến động quá 3%".
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu - Tập đoàn UOB nhận định: "Sau 2 năm đứng ở mức cao thì lãi suất FED Fund sẽ hạ, đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ yếu đi. Tất nhiên không thể diễn ra ngay lập từ mà quá trình này sẽ xảy ra từ từ. Khi đó, các đồng tiền châu Á sẽ mạnh lên so với USD, trong đó có đồng Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, tỷ giá giữa VND và USD đâu đó sẽ lùi về khoảng 24.200 đồng vào giữa năm và hết năm ở mức khoảng 23.500 đồng. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở đồng USD yếu đi và quan trọng là các yếu tố nền tảng của kinh tế Việt Nam với triển vọng ngày càng tích cực hơn, từ đó cũng giúp tăng sức mạnh cho đồng nội tệ".
Theo các chuyên gia, tỷ giá sẽ còn có những đợt biến động lên xuống trong năm nay nhưng khả năng cao sẽ nằm trong biên độ mục tiêu ± 2 - 3%. Do đó sẽ không tác động nhiều tới các biến số vĩ mô.
VTV.vn - Theo các chuyên gia, giá USD tăng nhanh khi các nhà đầu tư đổ xô mua vào đồng bạc xanh sau một thời gian ngắn tạm dừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.22442404182204202-uv-aum-hnit-od-gnat-aig-yt/et-hnik/nv.vtv