Như Thanh Niên đã thông tin, để tiếp tục siết quản lý thu thuế từ thương mại điện tử (TMĐT), Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết những người bán hàng online, các "chiến thần chốt đơn" có doanh thu lớn nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế sẽ bị nêu tên công khai và cấm xuất cảnh.
Theo quy định hiện nay, những cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ thực hiện đóng lệ phí môn bài từ 300.000 - 1 triệu đồng tùy thuộc doanh thu từ 100 hay trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, các cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trên các trang mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo, sàn TMĐT… còn nộp thuế thu nhập cá nhân 0,5%, thuế giá trị gia tăng 1% trên doanh thu. Nếu trốn tiền thuế từ 100 đến dưới 300 triệu đồng sẽ bị phạt từ 100 - 500 triệu đồng, thậm chí bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Vô tình trốn thuế ?
Tiếp nhận thông tin về việc cơ quan thuế sẽ tập trung vào chống thất thu thuế TMĐT trong thời gian tới, có bạn đọc (BĐ) ngạc nhiên vì cho rằng việc chốt đơn bán hàng online suy cho cùng đều phải thông qua một địa chỉ kinh doanh nào đó và cơ quan thuế chỉ cần "thu một lần từ nơi bán".
Cụ thể, BĐ Bình An Hạ nêu câu hỏi: "Khi chốt đơn, bán hàng trên các sàn TMĐT thì sàn đã thu 16% bao gồm thuế trong đó và họ sẽ đóng thuế thay cho người bán, một đơn hàng 1 triệu đồng, họ trừ 160.000 đồng rồi còn gì ?". Không ít BĐ cũng có chung thắc mắc này. Tuy nhiên, nhiều BĐ khác ngay lập tức đã chỉ ra chính "những nhầm tưởng này khiến nhiều người bán hàng online đang vô tình trốn thuế".
BĐ quang vinh nguyen phân tích: "Đó đâu phải là thuế, đó là phí dịch vụ khi bạn dùng nền tảng của các sàn TMĐT, là số tiền để sàn duy trì và phát triển nền tảng, cũng như quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội khác nhằm tiếp tục thu hút khách hàng. Vì không phân biệt được nên nhiều người bán hàng online đang vô tình trốn thuế".
Tán thành, BĐ Tuấn An cũng bày tỏ lo ngại về việc còn nhiều người "không phân biệt được đâu là thuế, đâu là chi phí thuê sàn TMĐT để kinh doanh". BĐ huytra105 đồng thời nhận xét: "Trốn thuế là hành vi đáng lên án. Bởi nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ xây dựng đất nước. Chốt đơn 100 triệu đồng, thuế thu nhập cá nhân 0,5% cũng chỉ 500.000 đồng. Thu về nhiều nộp lại chút đáng là bao".
Liên thông dữ liệu để quản lý
Trên thực tế, kinh doanh online ngày càng nở rộ. Đặc biệt rất nhiều người nổi tiếng, các Facebooker, TikToker… đã trở thành "chiến thần chốt đơn" khi livestream bán hàng trên mạng xã hội. Nhiều nghệ sĩ công bố doanh thu các buổi bán hàng với doanh số hàng tỉ đồng, một phiên bán hàng có hàng ngàn đơn được chốt nhưng đóng thuế bao nhiêu vẫn là câu hỏi không lời đáp.
Nhắc đến các "chiến thần chốt đơn", BĐ Viet Phan nhận xét: "Bán hàng hóa theo phương pháp livestream hiện nay khá phổ biến và mới mẻ, đặc biệt phù hợp với quy mô, số lượng hàng hóa nhỏ và vừa. Để hình thức bán hàng mới mẻ này được thuận lợi, không có sự tranh chấp, khiếu nại hay trốn thuế, thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần sớm bổ sung, sửa đổi bộ luật Dân sự, luật Thương mại và các luật khác có liên quan".
Đồng quan điểm, BĐ Trương Lưu cho rằng: "Nếu chỉ để riêng ngành thuế tăng cường chống thất thu thuế TMĐT mà không có được sự liên thông dữ liệu, từ ngân hàng chẳng hạn, thì làm sao biết đâu là doanh thu thực, đâu là doanh thu ảo của các chiến thần chốt đơn?".
BĐ Nga Guy đề nghị: "Cần quản lý hoạt động của dịch vụ livestream. Các chiến thần chốt đơn muốn kinh doanh trên mạng xã hội đều phải đăng ký với cơ quan chức năng, không phải kiểu "mình thích thì mình làm thôi" như hiện nay được".
Việc trốn thuế gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách nhà nước. Cần phải xử phạt hành vi vi phạm pháp luật này thật nghiêm.
Hanh Nguyen
Vậy cũng cần công khai chế tài, xử lý, cấm xuất cảnh luôn những ai làm chậm trễ việc hoàn thuế.
Đào Trọng Đạt
Biện pháp vậy cũng chưa đủ. Vì "nhẹ nhàng" như thế sẽ không răn đe được người bán hàng online tiếp tục trốn thuế. Cần tuyên truyền, phổ biến để người có ý định trốn thuế biết hành vi này sẽ bị xử lý hình sự rất nặng.
Tien Lieu