Không chỉ khách phương xa đến, ngay cả người dân địa phương nếu đi lần đầu cũng mệt mỏi tìm nhà, dù được cung cấp địa chỉ đầy đủ. Điều này rất dễ gặp ở quận 7, 12 và TP Thủ Đức, tiếp đến là những huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng số nhà "loạn xà ngầu" như hiện nay một phần do yếu tố lịch sử. Nhiều nơi cách đây vài chục năm là đất trống và vườn cây, nay đã trở thành "khu dân cư hiện hữu".
Nhà xây dựng trước thì được cấp số nhà trước. Vậy nên mới có chuyện số nhà "nhảy cóc", không theo thứ tự.
Từng có một thời cơ quan quản lý linh hoạt bằng cách gắn thêm ký tự A, B, C và "bis" cho những nhà cùng số. Giải pháp tình thế này trong hoàn cảnh trước đây được xem là tạm ổn.
Cứ mỗi khi rẽ vào "hẻm của hẻm" thì số nhà bất đắc dĩ phải gánh thêm một dấu "xuyệt".
Thế nên, nhìn vào tấm bảng mica ghi số của một ngôi nhà có đến bốn xuyệt là rối liền. Tết vừa rồi, lần đầu tiên tôi đến nhà một người bạn ở huyện Bình Chánh.
Mặc dù đã được anh gửi vị trí bằng công nghệ định vị, song bác tài vẫn phải liên tục gọi điện khi chỉ còn cách địa chỉ cần tìm khoảng 500m. Sau cùng, chủ nhà phải ra tận nơi dẫn vào.
Nào phải chỉ riêng số nhà, tên đường cũng nhiều lúc "ngoài vùng phủ sóng" trên Google Maps. Tôi tìm được đến một khu phố ở quận 12, tôi hỏi tên đường theo địa chỉ được gửi nhưng nhiều người địa phương đã trả lời "mới nghe lần đầu".
Nguyên do bởi ngày trước đường này dùng tên bằng số, giờ đã được mang tên một Mẹ Việt Nam anh hùng người địa phương nhưng mọi bảng hiệu ở đây chưa đổi.
Nhiều phường, xã vẫn còn tình trạng những con đường bằng chữ số trùng nhau. Chuyện dở khóc dở cười khi tìm đến đúng số nhà, đúng đường mà không đúng người quen.
Việc đưa số nhà, tên đường vào trật tự, khoa học càng chậm trễ sẽ càng thêm rối. Thành phố đang hướng tới hoàn thiện bản đồ số. Công nghệ nào cũng cần có hạ tầng phù hợp, tương xứng, không thể đưa ra đáp án cho một địa chỉ cần tìm với mớ rối của số nhà.
Chỉnh số nhà nhân tiện chỉnh luôn những tên đường chưa chuẩn hoặc dễ gây nhầm. TP.HCM đang tiến hành sắp xếp, bố trí lại hệ thống khu phố; một số phường xã sẽ sáp nhập, có thể ảnh hưởng đến địa chỉ nhà.
Những giấy tờ, tên gọi, bảng hiệu… cần điều chỉnh sẽ được chuẩn bị để làm thống nhất cùng lúc để đỡ tốn kém thời gian, chi phí.
Với những địa bàn có nhiều hẻm ngang dọc, cần lắp đặt bảng hướng dẫn ngay đầu hẻm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tìm địa chỉ khi cần.
25 năm qua kể từ khi TP.HCM có quy chế về số nhà, các địa phương đã mất nhiều công sức và kinh phí nhưng tình trạng số nhà trên địa bàn TP vẫn còn nhiều khiếm khuyết, gây phiền hà cho nhiều người, rắc rối trong nhiều việc.