Theo báo Financial Times ngày 28-2, dù các nước phương Tây luôn bác bỏ việc cử binh lính tăng viện cho Kiev, sự hiện diện không chính thức của lực lượng đặc nhiệm các nước này trên chiến trường Ukraine vẫn là điều được ngầm công nhận.
Phát biểu tại hội nghị lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 26-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh tuy các nước phương Tây chưa thống nhất "việc gửi binh lính trên bộ một cách chính thức và công khai" sang Ukraine, nhưng vẫn "không nên loại trừ bất kỳ khả năng nào. Chúng ta sẽ làm mọi điều có thể để đảm bảo Nga không thắng cuộc chiến này".
Nhận xét về tuyên bố trên, một quan chức quốc phòng cấp cao châu Âu giấu tên khẳng định ông Macron nói thế chỉ nhằm hù dọa và tạo sự mơ hồ cho Nga.
Vị này khẳng định: "Tất cả đều biết lực lượng đặc nhiệm phương Tây có mặt ở Ukraine. Họ chỉ chưa chính thức thừa nhận điều đó".
Trong khi đó, giới chức Pháp cũng khẳng định binh sĩ phương Tây sang Ukraine không nhất thiết phải cầm súng tham chiến. Thay vào đó, họ có thể thực hiện một số nhiệm vụ nhỏ như gỡ bom mìn, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống vũ khí, củng cố đường biên giới các nước láng giềng với Nga như Moldova...
Theo Đài RT, trên thực tế từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ hôm 24-2-2022 đến nay, Nga thường xuyên công bố việc tấn công nhắm vào "lính đánh thuê ngoại quốc" tham chiến tại Ukraine.
Hồi tháng 1, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố đã tiêu diệt hơn 60 binh sĩ nước ngoài trong một cuộc tấn công bằng tên lửa. Hầu hết trong số đó là người nói tiếng Pháp.
Không lâu sau đó, lãnh đạo chính quyền Ukraine tại địa phương xác nhận có hai người chết và ba người bị thương là "tình nguyện viên" người Pháp.
Bộ Quốc phòng Pháp sau đó công khai phủ nhận sự hiện diện của binh sĩ nước này tại Ukraine, song cũng thừa nhận có nhiều công dân Pháp đã tình nguyện đầu quân cho quân đội Kiev.
Xa hơn nữa, hồi tháng 12-2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu khẳng định nước này đã tiêu diệt 5.800 tình nguyện viên quốc tế của Ukraine trong gần hai năm tham chiến. Hầu hết trong số đó đến từ Ba Lan, Mỹ và Anh.
Bên cạnh đó trong loạt tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ bị rò rỉ hồi tháng 3-2023, có nhiều văn bản khẳng định sự hiện diện của đặc nhiệm Anh, Pháp, Mỹ trên chiến trường Ukraine.
Hồi cuối năm 2022, một văn bản của quân đội Anh cũng thừa nhận hiện có hơn 300 binh sĩ thuộc lực lượng thủy quân lục chiến hoàng gia tham gia "các phi vụ bí mật trong môi trường cực kỳ nhạy cảm, với mức độ rủi ro chính trị và quân sự cao" tại Ukraine.
Tuy nhiên đến nay cả ba nước trên đều chưa xác nhận hay phủ nhận thông tin nêu trong các tài liệu trên.
Ngày 27-2 giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Joe Biden họp kín cùng nhóm lãnh đạo lưỡng viện nhằm thống nhất kế hoạch ngân sách, trước khi chính phủ bị buộc đóng cửa, trong đó có vấn đề viện trợ cho Ukraine.