Phản ảnh đến Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc cho biết dù không uống rượu bia nhưng khi đi kiểm tra sức khỏe vẫn dính nồng độ cồn nội sinh. Một số bạn đọc lo lắng nếu rơi vào tình cảnh này sẽ bị bảo hiểm từ chối bồi thường như một số trường hợp đã được báo Tuổi Trẻ phản ánh qua bài viết Bị nồng độ cồn 'nội sinh', cãi không được với bên bảo hiểm.
Không uống rượu bia vì bị dị ứng nặng, vẫn dính nồng độ cồn nội sinh
Bạn đọc Ngô Tuấn Hiển kể lại chi tiết: "Tôi là người hoàn toàn không sử dụng rượu bia trong vòng 3 năm gần đây do bị dị ứng nặng. Lúc 15h27 ngày 11-1-2024 tôi đến Trung tâm y tế TP Biên Hòa khám sức khỏe để đổi bằng lái xe khi sức khỏe hoàn toàn bình thường thì kết quả xét nghiệm cho biết định lượng ethanol (cồn) trong máu là 1.97 mg/dl.
Với nồng độ cồn tự nhiên trong người ở mức này, chắc chắn tôi sẽ bị bảo hiểm từ chối bồi thường khi tai nạn xảy ra. Thật là vô lý!".
Tương tự, bạn đọc Kakashi viết: "Tôi không uống rượu bia gì hết, đi xét nghiệm máu để học lái xe B2 thì dính nồng độ cồn trong máu 0,12 mol. Vậy nếu rơi vào trường hợp như trên thì tôi sẽ bị bảo hiểm từ chối sao?".
"Tôi sẽ đồng ý sống cách ly tại một căn phòng nào đó trong vòng một tuần, ăn uống bình thường, không uống rượu bia và có sự giám sát của bên bảo hiểm, hằng ngày được kiểm tra nồng độ cồn.
Nếu như kết quả nồng độ cồn luôn lớn hơn 0 thì khi đó bên bảo hiểm có giải quyết chế độ bảo hiểm cho tôi không?" - bạn đọc TVT đặt câu hỏi với công ty bảo hiểm.
Và bạn đọc Kim Duyen cũng cho hay: "Tôi đã từng vất vả để đòi công lý cho chồng mình vì cồn nội sinh như vậy, nhưng kiên trì khiếu nại từ bệnh viện nơi xét nghiệm tới công ty bảo hiểm, cuối cùng chồng tôi đã được bồi thường".
Công ty bảo hiểm đừng vin vào nồng độ cồn tuyệt đối để thoái thác trách nhiệm
Nhiều bạn đọc cho rằng các công ty bảo hiểm cần linh hoạt trong bồi thường cho khách hàng, không thể cứ cứng nhắc vin vào những bất cập của quy định nồng độ cồn tuyệt đối.
Theo bạn đọc M.Tuấn: "Nhiều công ty bảo hiểm đang vin vào quy định nồng độ cồn bằng 0 nhằm thoái thác trách nhiệm bồi thường". Bạn đọc TVT đặt vấn đề: "Phải chăng công ty bảo hiểm dựa vào nồng độ cồn bằng 0 để bắt chẹt người tham gia bảo hiểm?".
Vì thế, bạn đọc Võ Đức Lành mong cơ quan hữu quan xem xét những tình huống này để điều chỉnh quy định cho phù hợp. Bạn đọc Khai Phong đề nghị: "Luật cần phải quy định rõ ràng, cụ thể để tránh oan sai, lợi dụng (như trường hợp bảo hiểm nêu trên), và lạm dụng, tránh tiêu cực khi áp dụng".
"Việc này cần cơ quan quản lý vào cuộc, bắt buộc người dân mua bảo hiểm xe máy thì cũng phải có chế tài bắt buộc đơn vị bán bảo hiểm phải bồi thường. Nên có văn bản quy định mức cồn nội sinh trong việc thanh toán, chi trả, bồi thường tai nạn cho người dân" - bạn đọc 2lua có ý kiến.
Còn theo bạn đọc Dang Le: "Khi có sự kiện bồi thường thì bảo hiểm kiểm tra nguyên nhân và ra quyết định dựa trên đôi bên cùng có lợi một cách hợp tình hợp lý. Các nguyên nhân miễn trừ bảo hiểm là phải rõ ràng theo pháp luật quy định.
Nghị định xử phạt nồng độ cồn là theo luật giảm tác hại rượu bia khi tham gia giao thông. Còn nồng độ cồn nội sinh là tự nhiên nó có nên không thể áp dụng theo quy định trên.
Công ty bảo hiểm và khách hàng là quan hệ dân sự thực hiện theo điều khoản hợp đồng. Trường hợp này là bảo hiểm lợi dụng yếu tố cồn nội sinh để không bồi thường, như vậy là không hợp tình hợp lý".
Nhiều trường hợp khách hàng gặp tai nạn có tỉ lệ rất nhỏ nồng độ cồn 'nội sinh' trong cơ thể nên bị bên bảo hiểm từ chối bồi thường. Liệu việc từ chối có đúng?