Ngày 29-2, ông Nguyễn Văn Hưng - chủ tịch UBND huyện Phù Cát (Bình Định) - cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng và địa phương chấn chỉnh tình trạng xe ôm chở du khách lên chùa Ông Núi mà không đội mũ bảo hiểm.
Theo ông Hưng, sau khi báo Tuổi Trẻ có bài viết "Xe ôm tự phát phóng ào ào lên chùa Ông Núi", huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp cùng thị trấn Cát Tiến kiểm tra, xác minh vụ việc.
"Tôi đã làm việc với địa phương để chấn chỉnh việc này. Các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương làm việc với nhà chùa để yêu cầu các đội xe ôm chở khách lên chùa Ông Núi và tượng Phật ngồi trên đỉnh núi phải đội mũ bảo hiểm, và đảm bảo an toàn cho du khách khi đưa đón họ lên xuống tham quan.
Ngoài ra, địa phương cũng đã tuyên truyền, đề nghị người dân sống xung quanh chùa Ông Núi khi chở khách lên chùa cũng phải đội mũ bảo hiểm cho mình và du khách. Và mọi người cũng đã đồng ý và thực hiện nghiêm việc đội mũ bảo hiểm. Chúng tôi cũng yêu cầu địa phương thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ, chấp hành trên của các xe ôm và người dân tại đây", ông Hưng cho biết thêm.
Trước đó ngày 25-2, Tuổi Trẻ Online có bài viết "Xe ôm tự phát phóng ào ào lên chùa Ông Núi" nói về tình trạng những bác tài chở khách chạy từ chân núi lên chùa Ông Núi (thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, giáp ranh với TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và ngược lại nhưng không đội mũ bảo hiểm.
Khi du khách đến chùa Ông Núi tham quan, theo quy định phải đi bộ trên đường từ chân núi lên đỉnh núi - nơi có tượng Phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á. Đoạn đường này dài 500m, dốc và quanh co. Nhiều người không đủ sức đi bộ thì thuê xe ôm chở lên.
Bên ngoài chùa, người chạy xe ôm đa số là người dân sống gần chùa Ông Núi. Những người này chở khách bằng con đường bên hông đi vào chùa (gọi là chùa Tổ) với giá đi lên 40.000 đồng/người, đi xuống 30.000 đồng/người.
Điểm chung của tất cả các xe ôm này đều không đội mũ bảo hiểm cho mình và cho du khách.
AT - Danh thắng Linh Phong Thiền Tự được người dân địa phương gọi với cái tên quen thuộc là chùa Ông Núi - một ngôi chùa cổ danh tiếng ở Bình Định, tọa lạc trên sườn phía đông nam núi Bà, thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.