Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 29/2 tăng 400.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 200.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 77,50 – 79,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 4 USD xuống 2.034,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giằng co và rung lắc nhẹ quanh 2.035 USD/ounce cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,80 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.002 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.480 – 24.820 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 62.400 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng và có thời điểm vượt 63.000 USD, trước khi hạ nhiệt về 62.700 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,08 USD (-0,10%), xuống 78,46 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,32 USD (-0,38%), xuống 83,38 USD/thùng.
VN-Index giảm nhẹ
Lực bán từ cuối phiên sáng tiếp tục mạnh lên đôi chút trong phiên chiều khiến VN-Index có lúc đã thủng ngưỡng 1.250 điểm. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn rất tích cực khi dòng tiền vẫn chảy mạnh trên thị trường, cùng với đó là bảng điện tử bớt tiêu cực hơn đã giúp chỉ số bật trở lại và giằng co nhẹ quanh ngưỡng trên cho đến khi đóng cửa.
Thanh khoản trở thành điểm nhấn, khi thêm một phiên vượt 1 tỷ cổ phiếu được giao dịch và giá trị đạt hơn 1 tỷ USD tính riêng trên sàn HOSE.
Như vậy, trong tháng 2 này, VN-Index đã tăng hơn 88 điểm, tương đương +7,59% từ mức hơn 1.164 điểm cuối tháng 1/2024.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 15,41 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng tương ứng 415,96 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 29/2: VN-Index giảm 1,82 điểm (-0,15%), xuống 1.252,73 điểm; HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,12%), lên 235,46 điểm; UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,09%), lên 90,63 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Tư (28/2) khi giới đầu tư tiếp tục thể hiện trạng thái thận trọng chờ đợi báo cáo lạm phát sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Số liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE tháng 1 sẽ công bố vào ngày 29/2, đây là thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Jay Hatfield, CEO tại Infrastructure Capital Advisors, nhận định: “Thị trường rõ ràng chỉ đang giậm chân tại chỗ trước khi có báo cáo PCE”.
Kết thúc phiên 28/2: Chỉ số Dow Jones giảm 23,39 điểm (-0,06%), xuống 38.949,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,42 điểm (-0,17%), xuống 5.069,76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 87,56 điểm (-0,55%), xuống 15.947,74 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư tiếp tục chốt lời sau đợt tăng gần đây đưa chỉ số chính lên mức cao kỷ lục.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,11% xuống 39.166,19 điểm. Chỉ số Topix tăng nhẹ 0,03% lên 2.675,73 điểm.
Thêm vào sức ép đến thị trường là việc đồng yên mạnh lên so với đồng USD, sau khi thành viên hội đồng quản trị trung ương Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), ông Hajime Takata cho biết BOJ phải xem xét chính sách tiền tệ siêu nới lỏng hiện tại.
Thêm vào đó, tâm lý thị trường cũng chịu thêm sức ép đến từ dữ liệu cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quay đầu bán ròng chứng khoán Nhật Bản trong tuần, khi chỉ số Nikkei 225 tăng cao nhất mọi thời đại, Ryutaro Sawada, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Tokai Viện nghiên cứu Tokyo, cho biết.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 200 tỷ yên (1,33 tỷ USD) chứng khoán Nhật Bản trong tuần kết thúc vào ngày 24/2, chấm dứt chuỗi 7 tuần mua ròng trước đó.
Chứng khoán Trung Quốc tăng tăng điểm trong ngày giao dịch cuối tháng, sau khi cơ quan quản lý chứng khoán cho biết sẽ thắt chặt giám sát các sản phẩm phái sinh.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,94% lên 3.015,17 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,91% lên 3.516,08 điểm.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi chịu ảnh hưởng của cổ phiếu công nghệ với Baidu công bố lợi nhuận suy giảm mạnh.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,15% xuống 16.511,44 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,19% xuống 5.677,88 điểm.
Cổ phiếu của công ty dịch vụ công nghệ Baidu đã giảm 6,9%, sau khi báo cáo lợi nhuận giảm 48% trong quý cuối cùng của năm 2023, do chi phí tăng mạnh khi cố gắng theo kịp các đối thủ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi giới đầu tư cũng thận trọng chờ đợi dữ liệu chi tiêu cá nhân tại Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 9,93 điểm, tương đương 0,37% xuống 2.642,36 điểm.
Kết thúc phiên 29/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 41,84 điểm (-0,11%), xuống 39.166,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 57,32 điểm (+1,94%), lên 3.015,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 25,41 điểm (-0,15%), xuống 16.511,44 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 9,93 điểm (-0,37%), xuống 2.642,36 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng dè dặt đặt chỉ tiêu lợi nhuận
Dù thu về hàng tỷ USD năm 2023, song các nhà băng vẫn thận trọng đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024..>> Chi tiết
- Cơ hội từ các đại dự án hạ tầng
Đầu tư công được coi là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế chính của năm 2024 và mang lại triển vọng khả quan cho nhóm ngành xây dựng..>> Chi tiết
- Lấy đà cho "cú nước rút" nâng hạng
Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đang là mục tiêu trọng tâm trong năm 2024 - 2025, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Trước mắt, lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi được dựa trên tiêu chí phân hạng của FTSE..>> Chi tiết
- Sự sụp đổ của tiết kiệm toàn cầu có nguy cơ dẫn tới chi phí vay cao hơn
Nguồn tiết kiệm dư thừa toàn cầu đang cạn kiệt, kết quả là lãi suất dài hạn trên toàn thế giới có thể sẽ tăng cao hơn..>> Chi tiết