Khu kinh tế Vân Phong được quy hoạch lại hứa hẹn sẽ trở thành vùng động lực cho cả khu vực Nam Trung Bộ. Đặc biệt, một "siêu dự án" điện khí sẽ hình thành tại đây, cung ứng bán khí hóa lỏng cho các nhà máy điện trong cả nước và bán cho 10 nước ASEAN.
Thay đổi quy hoạch, trải thảm thu hút nhà đầu tư
Ông Nguyễn Khắc Định - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - cho biết, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII tổ chức thành công, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành chương trình hành động, cụ thể chương trình hành động và ban hành quy chế làm việc mới của Tỉnh ủy. Trong đó, Đại hội đã ban hành 4 Nghị quyết lớn. Đó là Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi với cách tiếp cận hoàn toàn mới và phạm vi tiếp cận rộng lớn hơn.
Riêng Nghị quyết này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh sẽ bố trí ngân sách tối thiểu gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Các nghị quyết gồm xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị cũng sẽ được triển khai với những mục tiêu rất cụ thể. Nghị quyết đáng chú ý nhất mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVIII đề ra là xây dựng vùng động lực Khu kinh tế Vân Phong.
"Khu vực này trở thành vùng động lực cho Khánh Hòa không chỉ 5 năm tới và không chỉ cho Khánh Hòa mà cho cả khu vực Nam Trung Bộ". Khu kinh tế Vân Phong sẽ bao gồm khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa) và Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) với tổng diện tích 150.000ha (trong đó, 70.000ha đất liền, còn lại là mặt biển). "Vùng này có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Hiện nay đã có nhiều dự án đầu tư vào đây.
Hứa hẹn trở thành trung tâm điện khí trong tương lai gần
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, tại Vân Phong đã đón nhận nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư. Đó là dự án Nhà máy Nhiệt điện than BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đang đầu tư.
"Tiến độ dự án này đang rất tốt và tập đoàn này sẽ đầu tư giai đoạn 2 ở Vân Phong" - ông Định cho hay. Tại KCN Ninh Thủy hiện có 2 nhà đầu tư gồm: Công ty J-Power đề xuất nhà máy điện khí có công suất 3.000 MW; Tổ hợp các nhà đầu tư (Công ty CP Tập đoàn HBRE, Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 2, Công ty CP Hoàn Cầu Vân Phong, Công ty TNHH PHOUSY Group) đề xuất xây dựng nhà máy điện khí LNG Ninh Thủy với công suất 1.500 MW, kết hợp với hệ thống chế biến và kho lạnh bảo quản nông hải sản.
Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Mellenium (Hoa Kỳ) đã có đơn xin đầu tư dự án điện khí hóa lỏng vào nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa). Nếu được chấp thuận, đây sẽ là “siêu dự án” với tổng vốn đầu tư lên đến 15 tỉ USD.
Theo ông Định, giai đoạn I (đến năm 2025) dự kiến đầu tư khoảng 8 tỉ USD). Chủ đầu tư cho biết sẽ nhập khí hóa lỏng từ Mỹ về với khối lượng khoảng 17 triệu mét khối. "Quy mô đầu tư rất lớn, trên diện tích khoảng 360ha. Vừa rồi, nhà đầu tư xin đầu tư lên 22 tỉ USD" - ông Định nói và cho rằng, dự án này có ý nghĩa, giúp đảm bảo về an toàn, an ninh năng lượng.
Theo ông Định, nhà đầu tư sẽ làm kho chứa khí hóa lỏng, đường ống dẫn khí, bán khí cho các nhà máy điện trong nước và dẫn khí, bán cho 10 nước ASEAN.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đi vào hoạt động góp phần vận chuyển hàng hóa cho cả khu vực; tiếp nhận các vật tư hàng hóa từ nước ngoài về phục vụ Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên, đưa các nguồn hàng nông sản của cả khu vực xuất khẩu đi các nước. Nhìn một cách tổng thể, cảng tổng hợp này chính là dự án động lực cho việc thu hút đầu tư cũng như phát triển của khu vực nam Vân Phong.
Niềm tin của các nhà đầu tư đã quay trở lại
Năm 2020, dù tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng đầu tư tư nhân ở Khánh Hòa vẫn thu hút gần 8000 tỉ đồng, gấp đôi so với năm 2019.
"Điều này thể hiện, niềm tin của các nhà đầu tư đã bắt đầu quay trở lại. Sự cố gắng rất lớn của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành. Tuy còn chuyện này chuyện kia, nhưng đó là sự chuyển động rất tích cực" - ông Định tin tưởng.