Chính phủ Đức hôm 31-1 dọa kiện những cơ sở không cung cấp đủ vắc-xin Covid-19 cho khối Liên minh châu Âu (EU) như lịch trình đã cam kết. "Nếu các công ty không tuân thủ nghĩa vụ của họ, chúng tôi sẽ phải cân nhắc hành động pháp lý" - Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Peter Altmaier, khẳng định với báo Die Welt, đồng thời ám chỉ Công ty AstraZeneca (Anh) thiên vị nước nhà.
EU tuần trước thể hiện sự tức giận với AstraZeneca, sau khi hãng dược này thông báo họ hiện chỉ có thể cung cấp 25% lượng vắc-xin đã cam kết cho EU trong quý I/2020 vì hoạt động sản xuất bị gián đoạn tại một nhà máy ở Bỉ. Trong khi đó, quá trình bàn giao vắc-xin AstraZeneca cho Anh vẫn diễn ra gần như đúng tiến độ, giúp chương trình tiêm chủng của nước này đi trước so với các nước còn lại ở châu Âu.
Theo Bloomberg, dữ liệu mới nhất cho thấy EU chỉ mới triển khai được 2,6 liều tiêm/100 người, so với 12,5 liều ở Anh và 8,8 liều ở Mỹ. Cùng với tuyên bố của AstraZeneca, dữ liệu này khiến giới lãnh đạo châu Âu vừa lo sợ vừa giận dữ. "Chính sách ngoại giao vắc-xin đã biến thành chính sách cướp vắc-xin" - Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic bức xúc bày tỏ.
Một người đàn ông được tiêm vắc-xin Covid-19 của Công ty AstraZeneca tại TP Newcastle - Anh, hôm 30-1 Ảnh: REUTERS
Căng thẳng leo thang kể từ đêm 29-1 (giờ địa phương), khi EU đề xuất thắt chặt kiểm soát xuất khẩu vắc-xin. Nhấn mạnh đây không phải là lệnh cấm xuất khẩu, EU tuyên bố sẽ duy trì cơ chế này ít nhất đến cuối tháng 3 để bảo đảm tính minh bạch và công bằng cho hoạt động bàn giao vắc-xin. Đến ngày 30-1, chính phủ Anh tuyên bố hoạt động bàn giao vắc-xin dành cho quốc gia của họ sẽ không bị gián đoạn, bởi EU đã thay đổi kế hoạch. Theo Bộ trưởng Nội các Anh Michael Gove, EU đưa ra quyết định này sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson điện đàm cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen để nhấn mạnh rằng London có thỏa thuận với các công ty dược AstraZeneca và Pfizer (Mỹ).
"Chủ tịch von der Leyen nói rõ rằng bà hiểu lập trường của chính phủ Anh. Vì thế, chúng tôi tin những thỏa thuận này sẽ được tôn trọng, quá trình bàn giao vắc-xin sẽ tiếp diễn suôn sẻ" - Bộ trưởng Gove cho biết thêm.
Theo AP, mặc dù đã thay đổi quyết định liên quan đến cơ chế kiểm soát xuất khẩu vắc-xin, EU đang thúc đẩy kế hoạch giám sát những mũi tiêm được sản xuất tại các nước thành viên của họ. Bước đi này có thể cản trở quyền tiếp cận nguồn cung vắc-xin của Anh, đặc biệt là với những sản phẩm được Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) sản xuất tại Bỉ.
"Vấn đề không phải là châu Âu muốn được bàn giao đầu tiên, mà châu Âu muốn được bàn giao công bằng" - Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn khẳng định, đồng thời nhấn mạnh ông muốn bảo đảm rằng toàn bộ khách hàng của AstraZeneca "bị ảnh hưởng như nhau" bởi trục trặc trong khâu sản xuất như hãng dược này đã thông báo.
Giới chuyên gia cảnh báo căng thẳng về nguồn cung vắc-xin ở châu Âu có thể dẫn đến những xung đột kinh tế và chính trị sâu rộng hơn, làm gián đoạn chiến lược hợp tác toàn cầu chống Covid-19. Nếu chính phủ các nước triển khai những bước đi "hung hăng", các nước còn lại có thể hành động đáp trả bằng việc "giam" những lô hàng chứa thành phần quan trọng để sản xuất vắc-xin hay lên kế hoạch tự sản xuất dù biết tham vọng này sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự trợ giúp từ các nhà sản xuất - theo chuyên gia thương mại quốc tế Simon Evenett của Trường ĐH St. Gallen (Thụy Sĩ). Khẳng định kịch bản này có thể gây ra "phản ứng dây chuyền ở nhiều nơi, ngay cả những nơi ít ngờ nhất", Giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới Phòng ngừa dịch bệnh (CEPI) Richard Hatchett kêu gọi các nước "không phản ứng thái quá".
Tăng cường ngăn chặn biến thể Covid-19 mới
Nhằm ngăn chặn làn sóng của các biến thể virus SARS-CoV-2, nhiều quốc gia đã thắt chặt biên giới. Kể từ ngày 30-1, Đức cấm hầu hết du khách đến từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các biến thể mới. Pháp đóng cửa biên giới với những nước không thuộc Liên minh châu Âu, ngoại trừ các chuyến đi có lý do cấp thiết, có hiệu lực từ ngày 31-1.
Mỹ cũng gia hạn lệnh cấm đi lại đối với Brazil, Anh và 27 nước châu Âu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã ban hành quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên hầu hết mọi phương tiện giao thông công cộng cả nước nhằm ngăn ngừa lây lan Covid-19.
Xe của phái đoàn điều tra quốc tế do WHO dẫn đầu đi vào bên trong khu chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 31-1 Ảnh: PA
Tại Canada, du khách sẽ phải cách ly trong các khách sạn và tự trả chi phí. Các hãng hàng không cũng đang tạm dừng các chuyến bay có điểm đến ở phía Nam nước này. Theo một thông báo đăng trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada, những người đi chuyến bay thẳng từ Canada đến Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt hơn. Hơn nữa, hành khách trên các chuyến bay từ Canada đến Bắc Kinh sẽ chỉ là công dân Canada và công dân Trung Quốc ở Canada.
Ở Trung Quốc, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách điều tra nguồn gốc Covid-19 hôm 31-1 đến chợ hải sản Hoa Nam của TP Vũ Hán, nơi đầu tiên phát hiện virus SARS-CoV-2. Reuters mô tả khi nhóm chuyên gia WHO đến chợ, an ninh được thắt chặt, một loạt rào chắn được dựng bên ngoài khu chợ. Trước đó cùng ngày, các chuyên gia của WHO đến chợ Bạch Sa Châu - một trong những chợ tươi sống lớn nhất Vũ Hán - và một số bệnh viện như Kim Ngân Đàm - nơi điều trị tuyến đầu cho bệnh nhân Covid-19 tại thành phố này.
Xem thêm: nhc.25830648010201202-91-divoc-gnohc-neihc-couc-gnort-iom-ol-ion/nv.fefac