Trong tuần đầu tiên của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những bước đi ngoại giao cho thấy nỗ lực trong việc tập hợp các đồng minh hướng tới “cách tiếp cận tập thể” đối với Trung Quốc.
Ông Biden đã điện đàm với lãnh đạo các nước đồng minh thân cận như Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật, qua đó khẳng định Trung Quốc và an ninh Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tương tự, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng đã điện đàm với các đồng minh của Mỹ thuộc “Bộ tứ kim cương” (QUAD), Thái Lan và Philippines.
Tuy nhiên, tờ South China Morning Post ngày 31-1 dẫn lời các chuyên gia nhận định các đồng minh châu Á sẵn sàng “sát cánh” cùng Mỹ trong cách tiếp cận với Trung Quốc, trong khi các đồng minh châu Âu lại tỏ ra do dự.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: NIKKEIASIA
Các đồng minh châu Âu do dự
Ông Andrew Small - thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức – cho biết chính quyền ông Biden, trong các cuộc điện đàm với các đồng minh châu Âu, đã khẳng định vấn đề Trung Quốc và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ưu tiên trong chương trình nghị sự của Mỹ với các đồng minh.
“Đó là những gì họ đã báo hiệu trước khi bắt đầu nhiệm kỳ và bây giờ họ đang thực hiện nó. Các nước châu Âu có thể không thoải mái về một “liên minh” chính thức nhằm đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên. điều đó không có nghĩa là châu Âu không sẵn sàng hợp tác về nội dung, trên từng vấn đề hoặc tham gia vào các nỗ lực chung với chính quyền mới của Mỹ liên quan Trung Quốc”.
Nhiều nhà phân tích đã đặt câu hỏi về liệu Mỹ có thể tin tưởng châu Âu trong đối phó Trung Quốc hay không, khi liên minh này và Bắc Kinh hồi tháng 12-2020 đã ký kết Thỏa thuận toàn diện về đầu tư (CAI) trước lễ nhậm chức của ông Biden. Có ý kiến cho rằng quyết định này của châu Âu một phần xuất phát từ mối quan hệ Mỹ - EU rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo kết quả khảo sát do tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu công bố tuần trước, gần 60% trong số 15.000 người từ 11 quốc gia châu Âu khi được hỏi cho biết muốn quốc gia của họ giữ vị trí trung lập trong xung đột Mỹ-Trung và 32% cho rằng “không thể tin tưởng người Mỹ” kể từ khi ông Trump đắc cử vào năm 2016.
Ông Charles Kupchan, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, lý giải sự do dự của các nước châu Âu là vì họ không thực sự chắc chắn về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong dài hạn và vì sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.
Các đồng minh châu Á sẵn sàng “sát cánh”
Mặt khác, các nhà lãnh đạo châu Á lại hoan nghênh những cam kết của chính quyền ông Biden đối với khu vực, South China Morning Post đưa tin.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga ngày 27-1, ông Biden đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Nhật, bao gồm trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật)/ Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc).
Phát biểu sau cuộc điện đàm, ông Suga cho biết quan hệ cá nhân giữa ông với ông Biden đã sâu sắc thêm và điều này đóng góp vào việc tăng cường quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ.
Ngoại trưởng Blinken trong cuộc điện đàm hôm 27-1 với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin đã khẳng định Washington bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời tái khẳng định sẽ sát cánh với các quốc gia Đông Nam Á trong vấn đề này.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 29-1 cho biết ông hoan nghênh “với sự lạc quan lớn” về sự thay đổi lãnh đạo của Mỹ dưới thời ông Biden, và mong rằng “tình hữu nghị bền chặt và đáng tin cậy giữa Philippines và Mỹ sẽ phát triển hơn nữa”.
Nhà nghiên cứu Kupchan nhận định các đối tác của Mỹ ở châu Á phần lớn cảm thấy “nhẹ nhõm” khi Mỹ đã quay trở lại với “cách tiếp cận quen thuộc hơn” và kỳ vọng cái gọi là “xoay trục sang châu Á” sẽ tiếp tục.
“Ông Biden đã nói rõ trong chiến dịch tranh cử và sau khi thắng cử rằng ông ấy có ý định cố gắng xây dựng một mặt trận thống nhất với các đồng minh trong chính sách đối với Trung Quốc” – ông Kupchan nói.
“Tôi nghĩ những đồng minh truyền thống của Mỹ ở Đông Bắc Á sẽ tiếp tục làm như vậy. Theo một cách nào đó, hành vi của Trung Quốc đang thúc đẩy các nền dân chủ trong khu vực thắt chặt mối quan hệ với Mỹ, và tôi nghĩ rằng chính quyền ông Biden sẽ rất vui khi có thể đáp lại các mối quan hệ đó” - ông Kupchan nói thêm.