- Văn học nghệ thuật cần nâng tầm, đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn
- Tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
- Văn học nghệ thuật, báo chí Quân đội góp phần giáo dục truyền thống cách mạng
Milan Kundera từng nói rằng, nếu bây giờ có ai đó sáng tác những bản nhạc giống hệt Beethoven, ở trình độ rất cao, tương tự với thiên tài người Đức, thì chắc chắn người ta cũng sẽ cho rằng đó là những trò đùa nhạo chứ không phải nghệ thuật đích thực.
Nhận định của Milan Kundera rất đáng chú ý, vì thời điểm ra đời tác phẩm có vai trò quan trọng. Nếu thời điểm khác đi, giá trị của tác phẩm có thể sẽ rất khác. Tôi đưa ra đây một ví dụ có thể gây sốc, nếu bây giờ "Truyện Kiều" mới được viết và công bố, liệu nó có còn là kiệt tác đáng kể nhất của văn học Việt Nam như ta đã biết, hay sẽ là một giá trị khác?
Xin đừng hiểu nhầm ý của tôi, tôi không có ý định đánh giá lại tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Du, tôi chỉ đặt ra một giả dụ rằng, nếu là một thời điểm khác, ví dụ vào năm 2021 "Truyện Kiều" mới ra đời thì người ta sẽ nhìn nhận nó thế nào?
Có thể "Truyện Kiều" của Nguyễn Du quá xa xôi với hiện tại và ta khó hình dung ra. Ta sẽ lấy những tác phẩm gần đây hơn, ví dụ "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh. Thời điểm công bố tác phẩm là năm 1991, một quãng thời gian không quá xa thời điểm 2021, nhưng nếu bây giờ Bảo Ninh mới công bố "Nỗi buồn chiến tranh" thì liệu nó có gây được cú chấn động như cách đây mấy chục năm? Không ai chắc chắn được điều gì nhưng rõ ràng, một kịch bản khác đi là điều có thể dự đoán được.
Các tác phẩm xuất sắc nếu ra mắt đúng thời điểm, càng thành công và tạo nên tiếng vang trên văn đàn. |
Và những truyện ngắn nổi tiếng nhất của Nguyễn Huy Thiệp như "Tướng về hưu", "Kiếm sắc", "Phẩm tiết", "Vàng lửa"... Nếu bây giờ người đọc lần đầu biết đến chúng thì họ sẽ phản ứng thế nào? Có dữ dội như một bộ phận công chúng đã từng có? Nếu những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh được viết hoặc công bố chậm sau mấy chục năm, số phận của chúng có giống như hiện tại?
Tôi nói như vậy vì tôi có những cuốn sách để đối chứng. Ví dụ tiểu thuyết "Những ngã tư và những cột đèn" của Trần Dần nếu được công bố đúng thời điểm tác giả hoàn thành lần đầu năm 1966, tôi tin rằng nó sẽ gây một cú chấn động khá lớn.
Tiếc rằng, cuốn tiểu thuyết hay nhất của Trần Dần có số phận lận đận, nó được công bố quá chậm, đến tận năm 2010, sau hơn bốn mươi năm mới đến tay bạn đọc lần đầu.
Cuốn sách đã qua giai đoạn vàng đáng ra được hưởng mặc dù những độc giả đương thời vẫn còn ngạc nhiên về nó. Sự công nhận và đánh giá về cuốn sách không đủ đậm hoặc gây rung chấn. "Những ngã tư và những cột đèn" đã lỡ nhịp thời gian và đành chấp nhận một khoảng sáng tương đối.
Một tác phẩm nữa cũng bị chậm thời gian và không đủ sức "công phá" nữa. Đó là "Xóm Rá" của Ngọc Giao. Cuốn sách được công bố muộn mằn so với thời điểm viết. "Xóm Rá" được Ngọc Giao hoàn thành từ năm 1957 nhưng đến tận năm 2015 mới được xuất bản.
Nếu không, theo ý kiến chủ quan của tôi, "Xóm Rá" sẽ được định vị ngang bằng với những "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng, "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố hay "Chí Phèo" của Nam Cao dù ra đời muộn mằn hơn chút ít.
Qua những ví dụ trên có thể thấy rõ ràng thời điểm viết và công bố đóng vai trò quan trọng trong việc nhìn nhận và đánh giá tác phẩm. Nếu có sự sai lệch hoặc chậm trễ, tác phẩm sẽ mất đi những giá trị được cộng hưởng bởi bối cảnh và tâm lí thời đại. Sẽ bất lợi nếu như lật ngược các mốc thời gian hoặc làm chậm trễ, kìm hãm những tác phẩm đáng nhẽ phải được công bố đúng lúc nó cần xuất hiện.
Tính thời điểm như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, thời nào phải đúng thời ấy. Xuân mưa phùn, hạ nóng nực, thu mát mẻ và đông giá rét. Tất nhiên sẽ có những vật phẩm trái mùa và đôi khi người ta cũng thích những thứ trái mùa nhưng việc ấy thường được coi là thứ lạ, khó đại diện cho quy luật thông thường hoặc sở hữu tính bền vững. Những thứ lạ rồi dần dần sẽ không còn lạ nữa và những giá trị cổ điển sẽ quay về đúng thang giá trị của chúng.
Những tác phẩm cập thời sẽ may mắn hơn những tác phẩm quá lứa, lỡ thì. Giả dụ ngay lúc này có một cuốn tiểu thuyết viết về đại dịch Covid, cơ hội thành công của nó sẽ cao hơn những cuốn tương tự được viết bởi mười hoặc hai mươi năm sau. Có những thứ đã qua thời điểm rồi thì ta khó viết về nó hoặc thuyết phục mạnh mẽ được đông đảo công chúng.
Ví dụ nếu bây giờ có một cuốn tiểu thuyết viết về thời kì cải tạo hợp tác xã nông nghiệp những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỉ trước, chắc chắn nó sẽ gây ra ít nhiều phân vân trong việc chọn lựa của độc giả. Thời kì cải tạo hợp tác xã đã khá xa và có vẻ nó không còn mấy hấp dẫn hoặc sự quan tâm đã bị loãng nhạt đi nhiều.
Còn đề tài lịch sử, chẳng phải chính nó là thời gian quá khứ đã trôi qua rất lâu rồi sao ít bị lạc hậu? Lịch sử có một đặc điểm khác biệt, bởi nó đã phơi sương gió thời gian, đã cũ rất nhiều, cũ đến mức không thể cũ thêm được nữa. Và khi khoảng cách thời gian đủ xa để xóa mờ trí nhớ hoặc kí ức, rất bất ngờ, nó sẽ lại hứng thú như những thứ đương mới. Quên đi được cái cũ thì người ta lại thấy những thứ đã cũ vẫn còn hấp dẫn, là một kiểu hồi cổ hay tân trang hợp mốt…
Và những cách tân, tư tưởng của người viết? Nếu chúng được công bố đúng lúc, đúng thời điểm thì đương nhiên có tác động, nhưng nếu vẫn là những cái đó nhưng khi chưa/không được công bố và có cái mới khác xuất hiện, chúng sẽ nhanh chóng tự cũ. Đòi hỏi những cái mới liên tục là nhu cầu tự nhiên và cũng là thách thức với người viết, đôi khi chỉ cần chậm một chút đã thành cũ kĩ, lỗi nhịp.
Một người bạn văn của tôi hay quan sát tình hình văn học đã nói rằng, giữa văn học và đời sống của chúng ta hiện nay đang có khoảng cách khá xa. Văn học không nhất thiết phải sát sạt, dồn dập với hơi thở cuộc sống nhưng dường như văn học đã chậm so với bước chân đương thời.
Đọc nhiều tác phẩm viết ở thời điểm hiện tại dường như thấy chúng đang ở một khoảng vời vợi với thế thời hiện hữu. Chúng không đủ xa như lịch sử hồi cố, không đủ mới để cảm thấy nhịp điệu đương gần, cũng không phải ở tương lai để dự báo hay tiên đoán, chúng là một thứ lửng lơ gần như không ăn nhập vào bất cứ nhịp phách nào.
Balzac từng nói rằng, nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại. Câu nói ấy đã từng có lúc được hiểu sát sạt như thời đại của nhà văn hiện thực người Pháp, khi nhiều sự kiện xã hội lập tức được đưa vào văn chương và thiếu một sự tinh lọc, nghiền ngẫm.
Nó sống sượng, gò ép, phản ánh hiện thực một cách thô nhám, thiên về minh hoạ và khi đẩy sang một thái cực khác thì dường như hiện hữu cuộc sống đương thời lại bị thiếu. Độc giả than phiền rằng các nhà văn đang viết về những thứ trên trời hoặc những khoảng xa xôi ít còn sự quan tâm nữa.
Tất nhiên người viết không cần chạy theo nhu cầu người đọc, nhưng anh ta cũng không thể bỏ qua nó hoàn toàn. Viết cái gì, viết vào thời điểm nào và công bố tác phẩm khi nào là vấn đề không nhỏ với những người cầm bút. Có thể bây giờ anh thấy một vấn đề hay và phù hợp nhưng chỉ cần lùi một thời gian nữa có thể nó sẽ không còn thích hợp hoặc mới mẻ nữa.
Lựa chọn thời điểm và vấn đề có lẽ đòi hỏi một chiến lược và sự tính toán thận trọng bởi với mỗi người viết ai cũng mong tác phẩm mình viết ra sẽ có hiệu quả cao nhất. Đặt vào một bối cảnh và không khí phù hợp hoặc không phù hợp có thể ảnh hưởng đến giá trị của tác phẩm và vượt qua sự kiểm soát của chính tác giả.
Thiên thời, địa lợi, nhân hoà, câu nói của người xưa không những đúng với những bối cảnh chính trị, kinh tế mà đúng với cả văn chương chữ nghĩa. Tất nhiên sẽ có những tác phẩm vượt qua được mọi rào cản của thời gian và thời đại nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, thời điểm của tác phẩm sẽ cộng hưởng không nhỏ đến sự thành công hay thất bại của chính nó. Lưu ý đến bối cảnh và thời đại chẳng phải là một việc nên làm hay sao?
Khải HoànXem thêm: /031926-oat-gnas-auc-iad-ioht-meid-iohT/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv