Người dân xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài một chi nhánh ngân hàng tại Yangon, Myanmar ngày 1-2-2021 sau khi xảy ra chính biến - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters liệt kê những mốc sự kiện đáng chú ý đã diễn ra trong hơn 5 năm qua cho thấy tình hình chính trị tại Myanmar đã xảy ra rất nhiều biến động lớn trước khi đi tới cao trào là cuộc chính biến (đảo chính) sáng nay 1-2.
* Tháng 11-2015: Đảng NLD giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử, bà Aung Sang Suu Kyi, lãnh đạo đảng này, trở thành cố vấn nhà nước.
Bà Suu Kyi cam kết giải quyết những xung đột về sắc tộc và tôn giáo, thu hút đầu tư nước ngoài và tiếp tục các chính sách cải tổ đã được cựu tổng thống Thein Sein khởi xướng.
* Tháng 10-2016: Các chiến binh người Rohingya (cộng đồng người Hồi giáo tại Myanmar) tấn công 3 chốt an ninh biên giới tại bang Rakhine làm 9 cảnh sát thiệt mạng.
Quân đội Myanmar sau đó triển khai chiến dịch trấn áp khiến khoảng 70.000 người dân tại đây phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn.
* 25-8-2017: Các chiến binh người Rohingya thực hiện nhiều cuộc tấn công trên toàn bang Rakhine, kéo theo đó là chiến dịch phản ứng lại do quân đội triển khai. Căng thẳng tiếp tục đẩy hơn 730.000 người Rohingya tháo chạy tới Bangladesh.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên án chiến dịch giết hại hàng loạt, cưỡng hiếp, đốt phá đã được triển khai với "mục đích diệt chủng".
* Tháng 1-2019: Nổ ra xung đột bạo lực mới tại bang Rakhine giữa các quân nhân chính phủ và nhóm nổi dậy đòi quyền tự trị có tên Arakan Army (AA) - một lực lượng gồm chủ yếu những người thuộc cộng đồng thiểu số theo Phật giáo tại bang Rakhine.
Bà Suu Kyi đã kêu gọi quân đội đàn áp những người nổi dậy này.
* 11-11-2019: Cộng hòa Gambia (với hầu hết dân theo đạo Hồi) đệ đơn kiện Myanmar lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) với cáo buộc Myanmar đã có hành vi diệt chủng chống lại người Rohingya, vi phạm vào quy định của Công ước chống diệt chủng năm 1948.
Đơn kiện đi kèm yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Myanmar.
* 11-12-2019: Bà Suu Kyi có mặt tại Tòa án Công lý quốc tế tại Hague, bác bỏ mọi cáo buộc tội diệt chủng chống lại cộng đồng người Rohingya với Myanmar. Bà Suu Kyi cho rằng những cáo buộc đó "thiếu toàn diện và gây hiểu lầm", nhưng thừa nhận những tội ác chiến tranh rất có thể đã xảy ra.
Người Myanmar ủng hộ bà Suu Ski biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar tại Tokyo ngày 1-2-2021 - Ảnh: REUTERS
* Tháng 9-2020: Đại dịch COVID-19 bùng lên tại Myanmar. Chính phủ phong tỏa thành phố Yangon và các khu vực khác để phòng dịch nhưng vẫn kiên quyết tổ chức cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11 theo kế hoạch.
* 22-9-2020: Ông Thomas Andrews, nhà điều tra về nhân quyền của LHQ tới Myanmar, nói cuộc tổng tuyển cử ở đây sẽ không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế vì đã tước bỏ quyền bầu cử của hàng trăm ngàn người Rohingya.
Trong số (ít nhất) 12 người Rohingya ứng cử, 6 người bị từ chối.
* 17-10-2020: Ủy ban bầu cử Myanmar hủy bỏ việc bầu cử tại nhiều khu vực rộng lớn tại bang Rakhine, những nơi xảy ra xung đột với lực lượng AA làm hàng chục người chết và hàng chục ngàn người phải bỏ xứ đi.
Một số khu vực "không đủ điều kiện để tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng", ủy ban bầu cử nêu.
* 3-11-2020: Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, đại tướng Min Aung Hlaing, tuyên bố chính phủ dân sự đang gây ra "những sai lầm không thể chấp nhận" trong khi rốt ráo chuẩn bị cho bầu cử, cảnh báo về khả năng có thể xảy ra thiên vị trong khi bầu.
Bà Suu Kyi kêu gọi bình tĩnh trong thông điệp trên Facebook, kêu gọi các cử tri đừng để bị đe dọa.
* 9-11-2020: Đảng NLD tuyên bố giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội. Người phát ngôn đảng này cho biết đảng NLD dự kiến giành được nhiều hơn 390 ghế mà đảng này từng giành được trong chiến thắng vang dội ở cuộc tổng tuyển cử 2015.
* 11-11-2020: Đảng đối lập chính tại Myanmar, đảng Liên minh Đoàn kết và phát triển (USDP) do quân đội bảo trợ, yêu cầu tổ chức lại tổng tuyển cử, cáo buộc những sai phạm và kêu gọi quân đội hỗ trợ việc này để đảm bảo việc bầu cử được công bằng.
* 13-11-2020: NLD nói sẽ cố gắng thành lập một chính phủ có sự đoàn kết quốc gia sau khi các kết quả bầu cử chính thức cho thấy đảng này đã giành đủ số ghế trong quốc hội để thành lập chính quyền mới.
* 26-1-2021: Người phát ngôn quân đội Myanmar, ông Zaw Min Tun, cảnh báo quân đội sẽ "hành động" nếu những tranh cãi về bầu cử không được giải quyết ổn thỏa và từ chối loại bỏ khả năng có thể xảy ra đảo chính.
Ông Zaw Min Tun cũng yêu cầu ủy ban bầu cử điều tra các danh sách cử tri mà theo quân đội có những điều thiếu nhất quán.
* 28-1-2021: Ủy ban bầu cử bác bỏ những cáo buộc gian lận bầu cử, khẳng định không xảy ra những sai sót nào lớn tới mức có thể ảnh hưởng tới uy tín của cuộc tổng tuyển cử.
*30-1-2021: Quân đội Myanmar tuyên bố sẽ bảo vệ và tuân thủ hiến pháp và hành động theo luật pháp. Những cuộc tuần hành ủng hộ quân đội được tổ chức tại nhiều thành phố lớn, trong đó có Yangon - thủ phủ tài chính của Myanmar.
Ngay ngày sau đó, trong một thông báo đăng trên Facebook, quân đội "kiên quyết bác bỏ" việc gây cản trở cho tiến trình chuyển giao dân chủ.
* 1-2-2021: Quân đội tổ chức đợt vây ráp lúc sáng sớm và bắt cố vấn nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các quan chức cao cấp khác thuộc Đảng cầm quyền NLD.
Mạng Internet và các mạng di động bị gián đoạn tại Yangon và quân đội triển khai lực lượng tới chiếm quyền kiểm soát tại tòa thị chính ở Yangon.
TTO - Sáng 1-2, quân đội Myanmar đã chiếm quyền kiểm soát tòa thị chính Yangon, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và quyền lực đã được giao cho tổng tư lệnh quân đội, ông Min Aung Hlaing.
Xem thêm: mth.98412504110201202-ramnaym-iat-2-1-yagn-neib-hnihc-ohc-oab-meid-neik-us-com-gnuhn/nv.ertiout