Theo báo Myanmar Times, trong cuộc họp Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia ngày 1-2, Tổng tư lệnh quân đội kiêm lãnh đạo Nhà nước Myanmar - tướng Min Aung Hlaing cho biết quân đội sẽ công bố và làm rõ toàn bộ các bất thường và cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử ngày 8-11-2020, cũng như thông báo các hành động tiếp theo. Dự cuộc họp này có quyền Tổng thống U Myint Swe, Bộ trưởng Quốc phòng Sein Win, Bộ trưởng Nội vụ Soe Htut, Bộ trưởng Các vấn đề biên giới Ye Aung. Các nhân vật này đều là tướng cấp cao quân đội.
Quân đội đã tuyên bố một năm tình trạng khẩn cấp, bắt đầu từ ngày 1-2 và cho biết sẽ tổ chức một cuộc “tổng tuyển cử tự do và công bằng” sau khi tình trạng khẩn cấp qua đi.
Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing (trái) và bà Aung San Suu Kyi
ở thủ đô Naypyitaw thời điểm cuối năm 2015. Ảnh: AFP
Đây là hoạt động đầu tiên của chính quyền quân đội sau khi bắt cố vấn nhà nước, chủ tịch Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) - bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều lãnh đạo cấp cao đảng NLD. Theo báo The Irrawaddy, diễn biến này xảy ra chỉ vài tiếng trước giờ diễn ra phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới được bầu. Trong tuyên bố trên kênh truyền hình Myawaddy TV, quân đội cho biết bước đi này cần thiết để bảo vệ sự ổn định cho đất nước, đồng thời cáo buộc ủy ban bầu cử đã không xử lý các bất thường nghiêm trọng của cuộc bầu cử tháng 11-2020.
Về phía bà Suu Kyi, theo báo Strait Times, đảng NLD cho biết nhân vật này đã kêu gọi người dân biểu tình phản đối hành động của quân đội.
Quốc tế đồng loạt có phản ứng về cuộc chính biến ở Myanmar. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án bước đi của quân đội đồng thời lo ngại diễn biến này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình cải cách dân chủ ở Myanmar. Ủy ban châu Âu và Anh lên án động thái lên nắm quyền của quân đội Myanmar.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói nước này “cực kỳ lo ngại và thấy báo động” về sự việc và kêu gọi quân đội Myanmar thả các nhân vật vừa bắt. Nhà Trắng phản đối mọi hành động nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử, vi phạm tiến trình dân chủ Myanmar, đồng thời cảnh báo sẽ có động thái với những người có trách nhiệm trong chuyện này. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã được báo cáo về sự việc.
Trung Quốc kêu gọi các bên “giải quyết bất đồng một cách phù hợp theo hiến pháp và khung pháp lý để bảo đảm sự ổn định chính trị và xã hội”. Ấn Độ kêu gọi Myanmar tôn trọng luật pháp và tiến trình dân chủ. Úc kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng luật pháp, giải quyết bất đồng thông qua cơ chế luật pháp và thả ngay toàn bộ những nhân vật vừa bắt. Nhật nói đang theo dõi chặt tình hình và hiện tại mình không có kế hoạch đưa công dân ở Myanmar về nước. Hiện có khoảng 3.500 công dân Nhật ở Myanmar, chủ yếu làm các công việc đầu tư kinh doanh.
Indonesia đề nghị các bên tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và chính phủ hợp hiến. Singapore nói “cực kỳ lo ngại” về khủng hoảng chính trị ở Myanmar và “hy vọng các bên sẽ kiềm chế, duy trì đối thoại, tiến tới đạt được một kết quả tích cực và hòa bình. Malaysia kêu gọi các bên giải quyết bất đồng bầu cử một cách hòa bình. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ông Harry Roque - người phát ngôn tổng thống Philippines cho rằng đây là việc nội bộ của Myanmar.