Cổ phiếu PVM khớp lệnh đột biến ở giá sàn, trong thời điểm giới đầu tư đang ngóng chờ các thông tin về thoái vốn.
Chuỗi giao dịch kỳ lạ
Thời điểm phiên giao dịch ngày 1.2.2021 mới chỉ bắt đầu được 1 phút, cổ phiếu PVM của Công ty Cổ phần Máy Thiết bị dầu khí (PVMachino) đang giao dịch với sắc xanh ở giá 21.900 đồng/cổ phiếu và đang dư mua ở giá 20.000 đồng/cổ phiếu thì bất ngờ xuất hiện lệnh bán 200.000 cổ phiếu với giá sàn 17.100 đồng, đẩy mức giá khớp lệnh về tới giá sàn. Số lượng khớp lệnh giá sàn là 184.000 cổ phiếu.
Sau đó vài phút, nhiều nhà đầu tư ồ ạt tung lệnh mua vào khiến PVM trở lại sắc xanh. Nhưng, lệnh lớn khớp giá sàn nói trên đã khiến giá trung bình của phiên 1.2 chỉ là 17.300 đồng/cổ phiếu, sát với giá sàn. Đây là giá tham chiếu cho phiên giao dịch hôm sau (2.2) của PVM.
Trước đó, cổ phiếu PVM còn có 2 giao dịch lạ tương tự vào phiên 27 và 28.1.2021.
Từ đầu phiên giao dịch đến trước thời điểm 14h40 ngày 27.1, cổ phiếu PVM giao dịch lên xuống trong ngưỡng 23.000-26.000 đồng/cổ phiếu, nhưng vào lúc sắp hết giờ giao dịch, một lệnh bán rất lớn giá sàn 21.000 đồng/cổ phiếu được tung ra quét sạch toàn bộ lệnh mua và khớp xuống giá sàn.
Lệnh giá sàn này khiến tổng khối lượng khớp lệnh phiên 27.1 tăng đột biến lên 213.300 cổ phiếu, nhiều gấp 5 lần trung bình khối lượng giao dịch 5 phiên gần nhất. Đồng thời, giá trung bình của phiên giao dịch 27.1 bị kéo xuống tiệm cận mức giá sàn (21.600 đồng/cổ phiếu).
Ngày 28.1, khi PVM đang khớp ở giá 20.800 đồng thì cũng đột ngột xuất hiện lệnh bán lớn giá sàn 18.400 đồng/cổ phiếu khiến PVM khớp xuống giá sàn. Ngày hôm đó, tổng khối lượng khớp lệnh của PVM tăng lên 505.000 cổ phiếu, cao hơn nhiều lần so với khối lượng khớp lệnh trung bình của nhiều phiên trước đó.
Trước các phiên giao dịch lạ kể trên, trong khoảng 1 tháng gần đây, giá cổ phiếu PVM dao động trong vùng giá 23.000 – 29.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù có những phiên điều chỉnh nhẹ nhưng xu hướng chính trong nửa năm gần đây vẫn là tăng giá.
Lực đẩy cho đà tăng giá của cổ phiếu PVM là lợi nhuận tăng trưởng liên tục trong 6 năm liền và câu chuyện thoái vốn Nhà nước.
Lệnh bán sàn trùng thời điểm thông tin sẽ thoái vốn Nhà nước
Hiện nay, cổ đông chi phối nắm giữ phần vốn nhà nước ở PVM là Tổng công ty cổ phần Điện lực Dầu khí PVPower (HOSE: POW).
Ngày 8.1 vừa qua, POW đã công bố Quyết định của HĐQT phê duyệt phương án sắp xếp tái cơ cấu, trong đó lên kế hoạch thoái hết vốn ở 8 đơn vị bao gồm PVM.
Diễn biến thoái vốn tại PVM thu hút sự quan tâm lớn của dư luận giới đầu tư cũng như rất nhiều cổ đông POW và PVM.
Trong bối cảnh Nhà nước sắp thoái vốn, những lệnh bán giá sàn khó hiểu nói trên khiến giới đầu tư liên tưởng đến giao dịch đột biến của PVM cách đây hơn 2 tháng.
Vào những giây cuối cùng của phiên giao dịch ngày 5.11.2020 cũng có 1 lệnh lớn bán giá sàn được tung ra đẩy giá tham chiếu xuống thấp và ngày hôm sau PVM xuất hiện giao dịch thỏa thuận 7 triệu cổ phiếu PVM.
Được biết, giá khởi điểm thoái vốn Nhà nước tại một công ty niêm yết có liên quan rất nhiều đến giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn phải đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn bao gồm giá trị từ quyền sử dụng đất giao có thu tiền, đất nhận chuyển nhượng, đất thuê, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ.
Trường hợp giá khởi điểm thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin bán cổ phần thì lấy giá tham chiếu bình quân này làm giá khởi điểm.
Như vậy, có thể lường trước biến động bất thường của giá cổ phiếu PVM ngày 27, 28.1 và 1.2.2021 ảnh hưởng không nhỏ tới mức giá khởi điểm khi thoái vốn Nhà nước.
Xem thêm: odl.846678-coun-ahn-nov-iaoht-nit-gnoht-court-neihp-ueihn-nas-agn-mvp-ueihp-oc/et-hnik/nv.gnodoal