Vì vậy, cần sớm đưa tất cả các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào quản lý nhà nước để chấm dứt tình trạng này.
Khi luật chưa có, thuốc lá thế hệ mới nhập lậu là món hàng “béo bở”
Gần bốn năm qua, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (gọi chung là thuốc lá thế hệ mới) xuất hiện ở nước ta qua đường chợ đen ngày càng nhiều hơn. Sau đó một năm (2017), Chính phủ đã có chỉ đạo sớm nghiên cứu để quản lý thuốc lá điện tử.
Trong năm 2020, Chỉnh phủ cũng đã hai lần yêu cầu các cơ quan chức năng “siết chặt hơn nữa việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng” đồng thời khẩn trương xây dựng chính sách quản lý riêng với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.
Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu sớm quản lý thuốc lá thế hệ mới
Thế nhưng, đến nay thuốc lá thế hệ mới vẫn ung dung nằm ngoài vòng pháp luật. Tình trạng nhập lậu, buôn bán ngày càng diễn ra tràn lan, khó kiểm soát. Không dừng lại ở việc mua bán bí mật trên nhiều “hội kín”, các sản phẩm này còn ngang nhiên rao bán trên thương mại điện tử, thậm chí ở một số điểm bán hàng công khai trên đường phố.
Trong đó, năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ của hoạt động buôn lậu và tiêu thụ bất hợp pháp thuốc lá thế hệ mới, nhất là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh, lượng tiêu thụ các sản phẩm này không giảm đi, thậm chí giá cả còn tăng cao do cung không đủ cầu. Đáng kể, tháng 11-2020, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã triệt phá vụ buôn lậu thuốc lá điện tử lớn nhất từ trước tới nay, với tổng số lượng hàng hoá lên tới 12.000 sản phẩm. Được biết, thuốc lá nhập lậu ngoài việc không có nguồn gốc xuất xứ, thì hàm lượng chất gây hại cũng cao hơn. Khảo sát của Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá trên một số mẫu đã cho thấy hàm lượng các chất gây hại trong thuốc lá lậu cao hơn 1,5 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Bao giờ thuốc lá thế hệ mới hết “ung dung” đứng ngoài luật?
Theo các chuyên gia, cần giải quyết triệt để tình trạng buôn lậu càng sớm càng tốt, vì một khi thị phần hàng lậu trở nên quá lớn thì rất khó để ngăn chặn, thậm chí không ngăn chặn được. Trong tình hình hiện tại, việc xử phạt hành vi vi phạm đối với thuốc lá thế hệ mới không phải là một biện pháp hữu hiệu. Nguyên nhân là hiện chưa có bất cứ văn bản nào quy định cụ thể mức xử phạt nên các cơ quan chức năng chỉ có thể áp dụng mức phạt hành chính. Lợi nhuận của việc buôn bán thuốc lá thế hệ mới có khi gấp 4-5 lần, rõ ràng hình thức này không đủ sức răn đe.
Thị phần hàng lậu trở nên quá lớn sẽ khó kiểm soát, ngăn chặn
Về mặt khách quan, tình hình buôn lậu tăng cao cũng là biểu hiện của quy luật cung cầu, chứng tỏ rằng thuốc lá thế hệ mới đã trở thành nhu cầu chuyển đổi giảm thiểu tác hại của cộng đồng, thay thế dần cho thuốc lá điếu. Việc cấm đoán chỉ càng tạo điều kiện cho thị trường chợ đen phát triển.
Nhận định về vấn đề này, Clive Bates, một chuyên gia về chính sách kiểm soát thuốc lá đồng thời là cựu giám đốc Tổ chức Hành động về Hút thuốc và Sức khỏe - ASH (Anh Quốc) đánh giá, “chuỗi cung ứng” thuốc lá thế hệ mới bất hợp pháp trên thị trường chợ đen kém chất lượng thông qua mạng lưới tội phạm đang mang đến hàng ngàn tác động tiêu cực không lường được. Việc này tương tự như trường hợp ở Hoa Kỳ vào những năm 1920, khi thức uống có cồn chưa được hợp thức hoá thương mại như hiện tại, đã khiến “nhiều người Mỹ, theo một cách nào đó, trở thành tội phạm hoặc quay lưng lại với nhau”.
Đó là chưa kể, về mặt luật pháp, cũng không có cơ sở để cấm thuốc lá thế hệ mới, vì ở nước ta thuốc lá điếu, vốn độc hại nhất, vẫn là ngành kinh doanh hợp pháp, có điều kiện. Thuốc lá thế hệ mới nào vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn của một sản phẩm thuốc lá thì đương nhiên cũng sẽ thuộc nhóm ngành kinh doanh hợp pháp, có điều kiện như vậy. Đó là chưa kể, đã có nhiều bằng chứng khoa học từ những quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản… cho thấy thuốc lá thế hệ mới với công nghệ làm nóng không đốt cháy có giảm thiểu tác hại hơn so với thuốc lá điếu.
Ở góc độ toàn cầu, hơn 60 quốc gia đã đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý. Còn ở Việt Nam, định hướng luật hoá thuốc lá thế hệ mới cũng đã khá rõ, nhiều cơ quan bộ ngành đã đồng thuận cần sớm quản lý. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức.
Một khi thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử còn nằm ngoài luật thì các cơ quan quản lý thị trường phải tiếp tục gánh nặng xử lý hàng lậu; nhà nước thất thu ngân sách, tốn kém chi phí xử lý tiêu huỷ hàng lậu. Đáng kể nhất là sức khoẻ cộng đồng, nhất là thanh thiếu niên bị đe dọa bởi sản phẩm kém chất lượng và thông tin sai lệch không thể kiểm soát.
Thiết nghĩ, việc quản lý thuốc lá thế hệ mới không nên chần chừ, để sớm có giải pháp chấm dứt tình trạng thuốc lá thế hệ mới ung dung “sống khoẻ” ngoài luật.