Chính thức khoác áo tài xế Grab gần bốn năm nay, anh Huỳnh Bá Phước (56 tuổi, quận 11, TP.HCM) vừa tươi cười vừa bộc bạch về những ngày đầu tiên “bật app”: “Hồi trước, tôi phải thi tới ba lần mới đậu khóa đào tạo của Grab. Những ngày đầu, cứ mở máy lên là app báo “ting ting”, tôi lại không biết phải làm sao để nhận cuốc xe. Sau đó vì miếng cơm manh áo, mình ráng học thôi. Giờ thì ngon lành rồi…”.
“Nguyên tắc” từ trái tim
Trước khi đến với nghề chạy xe công nghệ, vì cuộc sống bươn chải nên anh Phước đã làm đủ mọi công việc mưu sinh, từ khuân vác đến phụ hồ. Nhưng giờ lớn tuổi, điều kiện sức khỏe không đảm bảo, tình cờ anh lại bén duyên với nghề tài xế công nghệ. Đều đặn 8 giờ sáng mỗi ngày, anh Phước bắt đầu mở app để nhận cuốc xe, chạy đến khuya thì về nghỉ. Tiền chạy xe vừa đủ để anh trang trải cuộc sống thường ngày và xoay sở tiền thuốc men cho vợ điều trị bệnh ung thư.
Nụ cười hạnh phúc của anh Phước khi chia sẻ về những lần nhận được hỗ trợ từ Grab. Ảnh: PHÚ PHONG
Thế nhưng, dù không mấy dư dả, mỗi ngày anh Phước đều âm thầm trao đi những cuốc xe 0 đồng cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Anh từ chối nhận tiền xe của người khiếm thị hay các cuốc giao hàng từ thiện. Đó cũng chính là “nguyên tắc” trong công việc của anh. “Coi như mình cho người ta quá giang, mấy chục ngàn đó họ mua được cái bánh, dĩa cơm. Mình cũng đâu mất gì, nên thôi giúp được thì giúp”, anh Phước chia sẻ.
Cũng tự đặt ra những “nguyên tắc tử tế” khi “chạy Grab", anh Tạ Phan Vũ (40 tuổi, đối tác tài xế GrabCar, TP.HCM) cho biết: “Tôi có nguyên tắc là không bao giờ từ chối các cuốc xe có điểm đến hay xuất phát từ bệnh viện”.
Chính 15 năm cùng con trai chiến đấu với căn bệnh quái ác đã giúp người cha này thấu hiểu sâu sắc nỗi khổ của những người phải vào ra bệnh viện. “Có những ngày tôi chở đến 5-6 cuốc xe chở người từ bệnh viện ra với bình oxy bên cạnh. Nó giống như cái duyên vậy”, anh Vũ kể.
Trong suốt thời gian cầm lái của mình, anh Vũ cũng không ít lần không nhận tiền cước xe với các hành khách khó khăn. Anh cũng sẵn lòng chở người bị tai nạn trên đường đi cấp cứu mà không nề hà. Trong một lần trả khách ở Bình Dương, trên đường quay xe về, thấy người bị tai nạn rất nặng, anh đã chủ động chở đến bệnh viện gần đó để cấp cứu dù trước đó rất nhiều người đã làm ngơ.
“Sẽ không quay lưng lại với nhau…”
Trong hoàn cảnh dại dịch hiện nay, khi số ca bệnh ngày một tăng, những cuốc xe cũng vì thế mà vơi dần. Các bác tài Grab từng phải thắt lưng buộc bụng, dè sẻn từng đồng để chắt chiu cho cuộc sống. Thế nhưng, chỉ có sự tốt bụng là rộng rãi cho đi. Mỗi ngày, anh Phước hay anh Vũ vẫn miệt mài đưa đón khách, và sẵn lòng hào phóng với những hoàn cảnh khó khăn.
“Ít ra tài xế như mình còn được Grab hỗ trợ cái này, cái kia chứ người ta có ai đâu mà được giúp đỡ. Bản thân mình đã nhận được sự giúp đỡ thì trong khả năng, mình làm gì được cứ làm. Lá rách thì đùm lá rách hơn, chỉ cần mình đừng quay lưng với nhau thì mọi chuyện rồi cũng qua hết à”, anh Phước bộc bạch.
Chương trình “Chia sẻ yêu thương” của Grab cũng đã kịp thời giúp đỡ hai tài xế trong giai đoạn khó khăn nhất, tiếp thêm sức mạnh để họ vững vàng hơn trong cuộc sống.
Trong tâm thế của người thấu hiểu cái khổ từ cuộc sống, anh Vũ đều muốn chia sẻ phần nào với những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: PHÚ PHONG
Trong đó, khoản hỗ trợ đã giúp anh Vũ có niềm tin, động lực để cố gắng vững tay lái mỗi ngày, đồng hành cùng con trong hành trình chiến đấu với bệnh tật phía trước. “Công việc này cho tôi thu nhập tốt, thời gian linh hoạt để đưa đón con và chăm sóc gia đình. Grab cũng có nhiều chương trình hỗ trợ anh em tài xế mà tôi thấy rất tình nghĩa”, anh Vũ bày tỏ.
Có thể nói, nghề tài xế với hai anh không chỉ là miếng cơm manh áo mà còn là nguồn động viên tinh thần, là niềm tin về những điều tốt đẹp vẫn còn hiện diện trong cuộc sống. Lòng tốt thì không cần cân đo và bất kỳ ai cũng đều có thể trở thành người tử tế. Khi giúp đỡ người khác hẳn hai anh chẳng suy nghĩ nhiều bởi các anh biết rõ, nếu đã xuất phát từ trái tim thì điều đó luôn là những quyết định đúng đắn.