Sắp đến Tết Nguyên đán, đây là thời điểm các hàng hóa không rõ nguồn gốc, không nhãn mác được bày bán tràn lan tại các chợ, mạng xã hội.
Tràn lan hàng “nhà làm”
Ghi nhận ở một số chợ truyền thống ở quận Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp,…tràn lan những mặt hàng bánh, kẹo, mứt đầy đủ màu sắc rất bắt mắt. Tuy nhiên, hầu hết những mặt hàng này không nhãn mác, không ghi hạn sử dụng. Đa số những chủ quầy hàng cho biết đây là những mặt hàng nhà làm nên không gắn nhãn mác.
Nhiều loại bánh, mứt không nhãn mác được bày bán. Ảnh: NGUYÊN VÕ
Tại chợ Hiệp Tân (quận Tân Phú), nhiều mặt hàng như mứt gừng, mứt dừa, kẹo dẻo, hạt dưa,…được bày bán. Khi hỏi nguồn gốc hàng hóa thì một chủ cửa hàng cho biết là hàng nhà làm nên không gắn nhãn. Chị NTT cho biết: “Màu để làm mứt là màu tự nhiên nên rất an toàn, nhà chị năm nào cũng làm mứt để giao sỉ nên em cứ an tâm dùng, hàng của chị là hàng chất lượng”.
Bánh mứt được bày bán không có đồ che chắn. Ảnh: NGUYÊN VÕ
Những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc này không chỉ được bày bán ở các chợ, mà trên các trang mạng xã hội cũng được quảng cáo với những hình ảnh bắt mắt. Rất nhiều người chọn biện pháp mua hàng online này để tiết kiệm thời gian.
Chị Nguyễn Thị Mộng Thu (quận Tân Bình) cho biết: “để hạn chế tụ tập trong mùa dịch, năm nay tôi chọn giải pháp mua hàng online, tôi thường chọn những loại bánh mứt mà nhiều người quen quảng cáo là nhà làm trên Facebook. Có một số mặt hàng tôi cũng có băn khoăn về vấn đề an toàn thực phẩm và chất lượng nhưng thấy người quen bán nên mua ủng hộ”.
Khả năng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể giá thành sẽ rẻ hơn những sản phẩm đã có thương hiệu lâu năm, nhưng việc sử dụng những sản phẩm này có thể gặp phải những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
TS. Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM cho biết, việc mua những thực phẩm buôn bán ở các chợ có thể giá thành sẽ rẻ hơn, hoặc việc mua những sản phẩm ở các trang mạng xã hội sẽ thuận tiện, không mất nhiều thời gian nhưng nếu chúng ta sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có nhiều trường hợp người sản xuất những sản phẩm sử dụng những nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, nên họ có thể dùng những gia vị, hương liệu, màu,…để sản phẩm bắt mắt thì có thể gặp rủi ro.
“Những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc như bánh mứt bán tràn lan có thể khi chế biến sẽ sử dụng màu không an toàn, những loại màu này có khả năng là những phẩm màu hóa học không được sử dụng cho thực phẩm. Nếu người tiêu dùng dùng những sản phẩm dùng màu hóa học không an toàn để chế biến có thể mắc các loại bệnh mãn tính như gan, thận,…
Ngoài ra, nhiều loại sản phẩm như mứt, củ kiệu,…để làm trắng chúng, người chế biến có thể dùng hóa chất, có thể những hóa chất này không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, việc đóng gói không đúng cách, không hợp vệ sinh thì rất dễ gây nấm mốc cho sản phẩm. Nhiều nơi sản xuất, để sản phẩm không bị nấm mốc họ sẽ bỏ những chất bảo quản để chống mốc, đôi khi những người này mua chất bảo quản này nhưng không rõ bản chất của những chất này ra sao, tác hại như thế nào, điều này rất nguy hiểm”, TS. Phan Thế Đồng chia sẻ.
Chính vì vậy, chúng ta nên sử dụng những sản phẩm có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã đưa ra kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội xuân 2021 trên địa bàn TP.HCM. Mục đích là kiểm soát đảm bảo ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2021, đặc biệt là các sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt, bia, rượu, bánh, mứt, rau, củ, quả,… Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, siêu thị. Bên cạnh đó, sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc. |