Thân nhân các bệnh nhân mắc COVID-19 tranh thủ mua bình oxy tại Manáus ngày 15-1 - Ảnh: REUTERS
Hồi tháng 10-2020, một nghiên cứu của Đại học São Paulo đăng trên tạp chí Science ghi nhận kết quả phân tích hàng ngàn mẫu huyết thanh của người dân thành phố Manáus (thủ phủ bang Amazonas ở tây bắc Brazil) cho thấy 76% đã nhiễm COVID-19.
Đúng ra theo lý thuyết, với 60-70% dân số bị nhiễm như thế, khả năng miễn dịch cộng đồng ắt sẽ đạt được và virus không còn lưu hành.
Tuy nhiên đến tháng 1-2021, số ca mắc COVID-19 bùng phát mạnh trở lại tại Manáus với hơn 200 ca nhập viện mỗi ngày, nhiều hơn so với mùa xuân năm ngoái. Phải chăng do các biến thể virus mới hay kháng thể không còn đủ để chống dịch bệnh?
Tại sao không xảy ra miễn dịch cộng đồng?
Ngày 17-1, tạp chí y học The Lancet đã đăng nghiên cứu với đầu đề "Sự bùng phát của COVID-19 ở Manáus (Brazil) bất chấp trị số huyết thanh cao".
Nghiên cứu do các nhà khoa học của Brazil (bao gồm Đại học São Paulo), Anh (Đại học Oxford và Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London) và Mỹ (Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Harvard và Đại học San Francisco) thực hiện.
Các bệnh viện ở Manáus quá tải trong đợt dịch thứ hai hiện nay - Ảnh: cruxnow.com
Nghiên cứu đã đưa ra 4 giả thiết giải thích vì sao miễn dịch cộng đồng không xuất hiện tại Manáus.
. Tỉ lệ 76% ngoại suy từ các ca nhiễm COVID-19 đã được đánh giá quá cao so với thực tế.
. Kết quả xét nghiệm huyết thanh vào tháng 12-2020 cho thấy lượng kháng thể đã giảm. Các ca tái nhiễm đều tái phát hơn 6 tháng sau lần nhiễm đầu tiên.
Một số nghiên cứu trước đây kết luận mức kháng thể vẫn còn đầy đủ sau tối thiểu 6 tháng. Thậm chí một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science còn đánh giá trí nhớ miễn dịch kéo dài ít nhất 8 tháng. Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học Brazil, Anh và Mỹ đã nghi ngờ vấn đề này.
. Hệ miễn dịch không khống chế được các biến thể SARS-CoV-2 mới. Hai biến thể B.1.1.7 (Anh) và P.1 (Brazil) đã được phát hiện tại Manáus. Ngoài ra, một biến thể khác mang đột biến E484K cũng đang lưu hành ở Brazil. Đột biến này dường như có thể làm giảm phản ứng trung hòa độc lực virus của kháng thể.
. Các biến chủng virus corona hiện nay có khả năng lây nhiễm mạnh hơn. Bằng chứng là biến thể P.1 không có trong các mẫu xét nghiệm ở Manáus từ tháng 3 đến 11-2020 nhưng đến tháng 12-2020 lại chiếm 42% số mẫu.
Vẫn còn hi vọng vào vắc xin
Khả năng miễn dịch của vắc xin cao hơn khả năng miễn dịch tự nhiên. Trong ảnh: vắc xin Sputnik-V của Nga được sử dụng tại Serbia - Ảnh: AFP
Như vậy phải chăng khả năng miễn dịch cộng đồng không bao giờ xảy ra và COVID-19 phát triển không có chặng dừng?
Trang web Futura (Pháp) ghi nhận vẫn còn nhiều hi vọng để tránh viễn cảnh đen tối này.
Thứ nhất, khả năng miễn dịch của vắc xin dường như cao hơn khả năng miễn dịch tự nhiên theo nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Toulouse (vắc xin của Pfizer/BioNTech đạt khả năng miễn dịch 95% trong khi miễn dịch tự nhiên chỉ đạt 85%).
Một nghiên cứu khác của Israel cho thấy các bệnh nhân được tiêm chủng vắc xin sẽ phát triển lượng kháng thể gấp 20 lần so với những người nhiễm COVID-19 đã bình phục.
Thứ hai, ngay cả khi các biến thể virus mới làm suy giảm hiệu lực của vắc xin thì vắc xin vẫn đủ hiệu quả ngăn chặn lây lan.
Cuối cùng, chúng ta có thể hi vọng ngay cả khi bị virus hay biến thể mới lây nhiễm lần hai, bệnh nhân sẽ phát triển dạng bệnh ít nghiêm trọng hơn. Điều này đủ để tránh bệnh viện quá tải.
Kênh truyền hình France Info nhận xét chúng ta không nên đặt cược vào khả năng miễn dịch cộng đồng tự nhiên để chấm dứt dịch bệnh và các nhà nghiên cứu khuyến cáo nên cảnh giác theo dõi các biến thể virus mới.
TTO - Tổng thống Joe Biden cho rằng Mỹ sẽ bắt đầu hình thành miễn dịch cộng đồng đối với dịch COVID-19 từ mùa hè năm nay, trong khi các nước như Nhật, Hàn Quốc, Indonesia kỳ vọng có miễn dịch trong vòng 1 năm tới.