Người Thái tăng ăn trái cây Việt hay chỉ ‘mượn đường’ bán sang Trung Quốc?
Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Thái Lan tăng đột biến hơn 100% trong năm 2020. Thế nhưng, liệu rằng trái cây bán cho người Thái sử dụng hay chỉ “mượn đường” để đưa sang Trung Quốc?
Xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc phải đáp ứng điều kiện gì?
Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu xoài Việt Nam
Nông dân Tiền Giang thu hoạch mít bán cho thương lái. Ảnh: Trung Chánh |
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2020, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Thái Lan đạt hơn 157 triệu đô la Mỹ, tăng đến gần 110% so với năm trước đó. Với kết quả này, Thái Lan là một trong những thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực của Việt Nam, chỉ xếp sau Trung Quốc (hơn 1,8 tỉ đô la Mỹ), Mỹ (gần 169 triệu đô la Mỹ) và Liên minh châu Âu (trên 158 triệu đô la Mỹ).
Còn xét về tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang các thị trường chủ yếu, thì Thái Lan với tốc độ tăng trưởng gần 110%, chỉ đứng sau Campuchia với 142,03% so với năm 2019.
Câu hỏi được đặt ra, đó là điều gì đã khiến Thái Lan bất ngờ gia tăng nhập khẩu rau quả của Việt Nam, có phải quốc gia này nhập khẩu để phục vụ cho tiêu dùng trong nước?
Trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 3-2, giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này (xin không nêu tên) cho rằng, một số loại trái cây vốn là "sở trường" của Việt Nam như sầu riêng, nhưng không được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cho nên, đã xuất sang Thái Lan để "mượn đường" nhập chính ngạch vào thị trường Trung Quốc với danh nghĩa sản phẩm của Thái Lan.
“Việc này không phải hoàn toàn do người Việt Nam mình làm, mà người Trung Quốc về tận vườn để làm”, vị này cho biết và nói rằng, việc cửa khẩu của Việt Nam bị đóng, mở liên tục cũng là lý do khiến việc chuyển sang Thái Lan để xuất sang Trung Quốc gia tăng. “Có nhiều lý do và đó là một trong những yếu tố khiến trái cây Việt Nam xuất sang Thái Lan tăng mạnh”, vị này cho biết.
Liên quan việc xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, hồi tháng 8-2020, thông tin từ Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu xoài từ một số vùng trồng và cơ sở đóng gói của Việt Nam do bị phát hiện “mạo danh” sản phẩm có mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật tại hội nghị “Triển khai giải pháp phòng chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn trái Đồng bằng sông Cửu Long 2020-2021” diễn ra vào tháng 9-2020 ở tỉnh Tiền Giang cho biết, để xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, yêu cầu bắt buộc là sản phẩm phải được sản xuất từ vùng trồng và được đóng gói tại cơ sở được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Tuy nhiên, tính đến năm 2020, Việt Nam chỉ có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gồm thanh long, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, xuất phát từ nguyên nhân chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên nhiều loại trái cây của Việt Nam đã “mượn đường” Thái Lan để nhập khẩu vào quốc gia tỉ dân này. Và điều này phần nào có thể khiến việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Thái Lan đã có sự gia tăng đột biến như nêu trên.