TS Johan Gaume và GS Alexander Puzrin kiểm tra giả thiết tuyết lở tại Davos (Thụy Sĩ) - Ảnh: EPFL
TS Johan Gaume - giám đốc phòng thí nghiệm mô phỏng tuyết và tuyết lở (SLAB) của Đại học Bách khoa liên bang vùng Lausanne (EPFL) ở Thụy Sĩ không thể tưởng tượng ông sẽ tham gia giải mã một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử Liên Xô cũ sau cuộc gọi của một nữ phóng viên từ New York đầu tháng 10-2019.
Cô phóng viên đã mời ông giám định một thảm kịch xảy ra 60 năm trước được gọi là "vụ án đèo Dyatlov".
Thảm kịch ở "Ngọn núi tử thần"
Ngày 27-1-1959, 10 sinh viên Học viện Bách khoa Ural do Igor Dyatlov 23 tuổi dẫn đầu thực hiện chuyến leo núi 14 ngày trên núi Otorten ở tỉnh Sverdlovsk (Liên Xô cũ). Lộ trình này được xếp vào cấp độ III, tức cấp độ khó khăn nhất với nhiệt độ âm 30 độ C.
Nhóm leo núi của Igor Dyatlov bắt đầu chuyến thám hiểm - Ảnh: fr.rbth.com
Hôm sau, một thành viên trong nhóm ngã bệnh nên quay trở lại. Đến ngày đã định, 9 người trong nhóm leo núi vẫn chưa quay về nên đội cứu nạn lên đường tìm kiếm.
Ngày 26-2-1959, họ tìm thấy lều của nhóm bị hư hại nặng trên dốc núi Kholat Syakhl (nghĩa là "Ngọn núi tử thần") cách núi Otorten 20 km. Vật dụng vẫn còn nguyên.
Dưới lều là hai thi thể. Gần đó có ba thi thể bao gồm Igor Dyatlov. Họ có lẽ đã chết do hạ thân nhiệt khi cố gắng trở về lều.
Hai tháng sau, đội cứu nạn tìm thấy bốn thi thể khác trong khe núi. Vài người có vết thương nghiêm trọng như gãy xương ở ngực và hộp sọ.
Sau ba tháng điều tra, cơ quan điều tra Liên Xô cũ kết luận "một lực rất mạnh" không rõ nguồn gốc đã dẫn đến cái chết của nhóm leo núi.
Do không còn ai sống sót, thảm kịch này vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn. Nhiều giả thiết cho rằng nhóm leo núi bị người tuyết hay người ngoài hành tinh tấn công hoặc họ là nạn nhân của một vụ thí nghiệm quân sự bí mật nào đó.
Đội cứu nạn tìm thấy lều của nhóm leo núi ngày 26-2-1959 - Ảnh: EPFL
Không ai tin giả thiết của cơ quan điều tra Nga
Sau khi mở lại cuộc điều tra vào năm 2019 theo yêu cầu của gia đình các nạn nhân, cơ quan công tố Nga đưa ra giả thiết nhóm leo núi thiệt mạng do tuyết lở. Tuy nhiên, dư luận ở Nga không tin do cơ quan điều tra không giải thích được tuyết lở xảy ra như thế nào.
Có bốn nghi vấn khiến giả thiết bị phản bác: Đội cứu nạn không tìm thấy dấu vết tuyết lở, độ dốc trên vị trí dựng lều nhỏ hơn 30° nên không đủ dốc để tuyết lở, tuyết lở xảy ra trễ 9 tiếng sau khi nhóm leo núi khoét vách núi dựng lều, các vết thương không mang tính chất điển hình của nạn nhân tuyết lở.
Trưởng ban giám sát thực thi luật liên bang của vùng Sverdlovsk cầm trong tay hồ sơ điều tra về "vụ án đèo Dyatlov" năm 1959 - Ảnh: TASS
TS Johan Gaume kể: "Tôi bị cuốn hút đến mức bắt đầu nghiên cứu về giả thiết này. Sau đó, tôi liên lạc với GS Alexander Puzrin - chủ nhiệm bộ môn địa kỹ thuật công trình tại Đại học Bách khoa liên bang Zurich, người mà tôi đã gặp tháng trước đó tại một hội nghị ở Pháp".
Hai nhà khoa học lùng sục kho lưu trữ của Liên Xô cũ, tham khảo ý kiến các chuyên gia và lập mô hình tái hiện giả thiết tuyết lở.
Cuối cùng họ đã giải đáp được giả thiết tuyết lở qua mô hình phân tích ước tính độ trễ trong việc kích hoạt tuyết lở và mô hình kỹ thuật số về tác động của tuyết lở đối với cơ thể con người.
Nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Nature ngày 28-1 với đầu đề "Cơ chế giải phóng và tác động của tuyết lở theo phiến trong sự cố đèo Dyatlov năm 1959".
Nghiên cứu chứng minh những điểm như sau:
. Một vụ tuyết lở nhỏ vẫn có thể xảy ra trên sườn núi có độ dốc không lớn và để lại rất ít dấu vết.
. Trận tuyết lở như thế vẫn có thể dẫn đến các vết thương như đã quan sát thấy.
. Từ hành động đào chặt sườn núi của nhóm leo núi, một thời gian lâu sau tuyết lở mới xảy ra.
. Gió núi katabatic thổi từ trên núi xuống tạo sức mạnh có thể kích động tuyết lở tích tụ phía trên lều do địa hình đặc biệt mà nhóm leo núi không biết.
GS Alexander Puzrin giải thích: "Nếu nhóm leo núi không đào ngang dốc núi thì không có chuyện gì xảy ra. Đó là kích hoạt ban đầu nhưng chưa đủ. Gió núi katabatic cuốn theo tuyết và dần dần tích tụ lượng tuyết lớn hơn. Đến thời điểm nhất định, vết nứt hình thành, lan rộng làm lớp tuyết vỡ ra".
TTO - Chưa có câu trả lời vì sao nhiều bệnh nhân COVID-19 đã bình phục vẫn bị mệt mỏi, đau cơ, rụng tóc… Tỉ lệ này ở phụ nữ cao hơn nam giới.
Xem thêm: mth.97614205130201202-iaig-coud-ad-court-man-06-noh-naht-ut-iun-nert-na-ib-hcik-maht/nv.ertiout