Phuket muốn mở cửa đón khách quốc tế với mô hình 'đảo miễn dịch'
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Phòng Thương mại Phuket và Hiệp hội Du lịch Phuket cùng hơn 10 hiệp hội doanh nghiệp khác đang gây quỹ để tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 70% dân số trên 18 tuổi của hòn đảo mà không trông chờ vào chính phủ. Họ đặt cược rằng “một khi dân cư địa phương đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng, Phuket sẽ an toàn để đón du khách nước ngoài”.
Phuket chuẩn bị mở cửa đón trở lại du khách quốc tế từ tháng 10-2020 nhưng thất bại. Ảnh: Travel Daily |
Thua keo này, bày keo khác
Hồi tháng 10 năm ngoái, Phuket là nơi đầu tiên đưa ra chương trình thử nghiệm “chiếc lồng vàng” để chào mời du khách phương Tây với các gói cách ly tại khách sạn hạng sang trong 14 ngày với giá gần 6.000 đô la mỗi khách.
Chính phủ Thái Lan hy vọng sau thành công của Phuket, “chiếc lồng vàng” sẽ được áp dụng trên khắp Thái Lan. Thế nhưng, chỉ có khoảng hơn 1.000 khách đến thăm, trong khi Thái Lan trung bình đón khoảng 10 triệu lượt khách mỗi quý trong năm 2019.
Đợt bùng phát dịch ở tỉnh Samut Sakhon vào tháng 12 vừa rồi đã làm tắt ngúm hy vọng tái kích hoạt ngành du lịch. Nay, ý tưởng “đảo miễn dịch” là một nỗ lực mới để ngành du lịch đóng góp đến 20% GDP hồi phục.
Kế hoạch này trước tiên cần sự chuẩn thuận của chính phủ, giúp gỡ bỏ rào cản chính hiện nay cách ly 14 ngày bắt buộc khi nhập cảnh. Điều này sẽ giúp cho hàng ngàn du khách châu Âu đã được tiêm ngừa vaccine có thể có kỳ nghỉ tránh đông ở Phuket - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket Bhummikitti Ruktaengam phát biểu.
“Chúng tôi không thể đợi lâu hơn nữa. Nếu phải tiếp tục đợi, chúng tôi sẽ không sống sót. Nếu chúng tôi bỏ lỡ kỳ nghỉ Đông cao điểm năm nay, chúng tôi lại phải đợi thêm một năm nữa”, ông Bhumikitti phát biểu. Hiệp hội Du lịch Phuket của ông có đến 300 thành viên, trong đó gồm nhiều nhà điều hành khu nghỉ dưỡng sang trọng và khách sạn năm sao.
Tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới theo dữ liệu của Our World in Data. Ảnh chụp màn hình |
“Đảo miễn dịch” chỉ dành cho “khách miễn dịch”
Theo kế hoạch “Phuket First October” - có nghĩa là “Phuket mở cửa ngày 1-10”, ngành du lịch hòn đảo sẽ nhập khẩu vaccine thông qua các công ty tư nhân. Họ có thể đặt mua vaccine từ hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc, theo dự kiến sẽ được chính phủ Thái Lan chuẩn thuận trong tháng 2 này.
Đến ngày 1-9, ít nhất 70% trên 430.000 dân cư của hòn đảo sẽ được tiêm chủng và đạt được mức miễn dịch cộng đồng. Vì thế, “đảo miễn dịch” sẽ có thể mở cửa đón khách đã tiêm ngừa vaccine từ châu Âu và các nơi khác trên thế giới.
Phuket và Pattaya giúp ngành du lịch Thái Lan phát triển bùng nổ khi trở thành nơi nghỉ dưỡng cuối tuần của quân đội Mỹ tham chiến tại Việt Nam từ thập niên 1960. Dịch Covid-19 càn quét đã khiến số khách quốc tế trong năm ngoái chỉ còn 6,7 triệu lượt, giảm 83% so với con sổ khổng lồ 40 triệu lượt của năm 2019. Hiện có đến 1 triệu người trong ngành du lịch mất việc, ở một số điểm đến như Phuket hay Koh Samui, số doanh nghiệp liên quan đến du lịch đóng cửa hoặc phá sản đến 70-80%.
“Phuket luôn đóng góp lớn cho nền kinh tế Thái Lan. Hôm nay, chúng tôi tiên phong đi trước để kiểm soát tình hình. Chúng tôi không có nhiều tiền, nhưng giờ chúng tôi đang cố thêm lần cuối. Hy vọng, chúng tôi sẽ được cứu”, ông Bhumiktti phát biểu.
Kế hoạch của ngành du lịch Phuket trùng với ý tưởng của ông William Heinecke, Chủ tịch Minor International Plc đang điều hành hơn 500 khách sạn ở 55 nước trên thế giới. Tuần rồi, theo Bloomberg, ông Heinecke đã gửi thư khuyến nghị đến Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha.
Trong thư, Chủ tịch Heinecke đề nghị chính phủ Thái Lan ưu tiên tiêm chủng cho những người làm ngành du lịch, bên cạnh nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu. Chiến thuật này có thể thúc đẩy “du lịch không cần cách ly” dành cho khách đã tiêm vaccine – ông Heinecke nhấn mạnh.
Phuket có thể là nơi thử nghiệm kế hoạch mới. “Một khi thành công, mô hình sẽ được sẽ nhân rộng”, ông Heinecke nói và đề cập đến trường hợp của quốc đảo Seychelles đã miễn cách ly cho du khách đã tiêm vaccine. Seychelles là một đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương có diện tích 459 cây số vuông và dân số dưới 100.000 người.
Trong khi đó, theo Bangkok Post, Bác sỹ Prasit Watanapa, trưởng Khoa Dược thuộc Bệnh viện Siriraj, đã thúc giục người dân Thái bỏ các nghi kỵ về xuất xứ của các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện nay để tiến hành xây dựng “miễn dịch cộng đồng”.
Trong buổi livestream được truyền thông Thái Lan đồng loạt đưa tin, ông Prasit đã thông báo tình hình tiêm chủng vaccine trên toàn thế giới với trên 100 triệu liều đã tiêm. Ông nói Thái Lan cần tiêm ít nhất 60% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.
Hãng dược Siam Bioscience của Thái Lan sẽ sản xuất 26 triệu liều theo nhượng quyền của hãng AstraZeneca. Thái Lan cũng mua thêm từ AstraZeneca 35 triệu liều và Sinovac 2 triệu liều. Quốc gia này hy vọng sẽ đạt được tình trạng “quốc gia miễn dịch” vào cuối năm 2022.
Các nước chạy đua trở thành “quốc gia miễn dịch” Israel sẽ là quốc gia miễn dịch đầu tiên trên thế giới khi hoàn tất tiêm chủng cho toàn bộ dân số gần 9 triệu trong tháng 3 tới. Theo dữ liệu của Our World in Data, Israel đã tiêm chủng hơn 57,6% dân số - đứng đầu thế giới. Tiếp theo là Các tiểu vương quốc Arab (UAE) với 34,8%, Anh 14,4%, Bahrain 10,2% và Mỹ 9,6%. Nhật Bản có thể không hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho phần lớn dân số vào tháng 6 tới để mở cửa đón khách tham dự Olympic Tokyo 2020 bị dời đến tháng 7. Các chuyên gia nói Nhật Bản chỉ có thể đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng cuối tháng 10. Hàn Quốc cũng công bố đạt tình trạng miễn dịch cộng đồng từ tháng 10. Cả hai nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng cho người cao tuổi và lực lượng tuyến đầu vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 - sớm hơn dự định 1-2 tháng. |
Xem thêm: lmth.hcid-neim-oad-hnih-om-iov-et-couq-hcahk-nod-auc-om-noum-tekuhp/294313/nv.semitnogiaseht.www