Hôm 2-2 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden đã ký ba sắc lệnh hành pháp giúp các gia đình nhập cư bị chia rẽ vì chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể đoàn tụ. Ông cũng ra lệnh xem xét lại chương trình nghị sự về nhập cư của Tổng thống Trump.
Khi còn nắm quyền, nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp, chính quyền của ông Trump đã tách người lớn không có giấy tờ với con trẻ khi họ đi qua biên giới Mỹ - Mexico. Ít nhất 5.500 trẻ em đã bị chia tách khỏi người lớn trong giai đoạn 2017-2018.
Bức tường biên giới Mỹ - Mexico là một trong những "sản phẩm" gây tranh cãi dưới thời Tổng thống Trump. Ảnh: REUTERS
Theo các nhà hoạt động xã hội, dưới thời Tổng thống Barack Obama, trẻ em cũng bị tách ra khỏi những người lớn không có giấy tờ ở dọc biên giới của Mỹ. Dù vậy số trường hợp bị buộc phải chia cắt rất hiếm hoi.
Một trong ba lệnh hành pháp của ông Biden chính là thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giúp khoảng 600-700 đứa trẻ được đoàn tụ với gia đình. Ông Alejandro Mayorkas – Bộ trưởng An ninh Nội địa vừa được bổ nhiệm, sẽ dẫn dắt và giám sát hoạt động của lực lượng này.
Hai lệnh hành pháp còn lại tập trung vào việc tái xem xét các chính sách nhập cư của ông Trump liên quan đến việc hạn chế quyền xin tị nạn, trì hoãn quá trình nhập cư hợp pháp vào Mỹ và huỷ bỏ tài trợ cho nước ngoài.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng xoá bỏ nỗi xấu hổ về mặt đạo đức và quốc gia mà chính quyền tiền nhiệm mang lại. Họ đã tách những đứa trẻ khỏi vòng tay cha mẹ chúng tại biên giới và hoàn toàn không có một kế hoạch hay bất cứ biện pháp nào để giúp những đứa trẻ đang bị giam giữ đoàn tụ với cha mẹ”.
Ông cũng đề xuất luật cấp tư cách công dân cho khoảng 11 triệu người không giấy tờ ở Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng tân Tổng thống vẫn đang tránh việc đảo ngược các chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía Nam.
Phát ngôn viên của Nhà Trắng - bà Jen Psaki, cho biết chính quyền cam kết xây dựng một hệ thống nhập cư "có đạo đức" và "nhân đạo". Tuy nhiên theo bà, trước khi điều đó thành hiện thực, giờ "chưa phải là lúc để đến Mỹ".