Ngày 3-2, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) giữa nguyên đơn là ông Phạm Hoàng Sỹ và bị đơn là Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt.
Đại diện nguyên đơn và bị đơn tại tòa. Ảnh: NHẪN NAM
Tại tòa, đại diện của nguyên đơn trình bày, vào ngày 22-12-2018, ông Sỹ mua HĐBH của Công ty Bảo Việt Cần Thơ (thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt). Cùng ngày, ông Sỹ đã được cấp chứng nhận bảo hiểm với giá trị lên đến 600 triệu đồng (bằng giá trị chiếc xe). Đây là gói bảo hiểm vàng đối với toàn bộ hư hại của ô tô (hiệu HILUX) do ông Sỹ đứng tên. Hiệu lực của bảo hiểm là một năm.
Đến ngày 27-10-2019, tài xế của ông Sỹ lái xe đến địa bàn tỉnh Đồng Tháp thì xảy ra tai nạn nghiêm trọng, chiếc xe bị hư hỏng nặng.
Sau đó, xe chuyên dụng cẩu kéo ô tô của ông Sỹ về trung tâm bảo hành Toyota tại TP Cần Thơ để xem xét thiệt hại phát sinh và tiến hành sửa chữa. Đồng thời, ông Sỹ cũng báo cho bên bảo hiểm biết sự việc này.
Qua kiểm tra, trung tâm bảo hành xe báo toàn bộ thiệt hại phát sinh để sửa chữa xe là hơn 310 triệu đồng. Tuy nhiên, phía bảo hiểm không đồng ý số tiền trên mà chỉ chấp nhận bồi thường hơn 100 triệu đồng. Ông Sỹ cho rằng như vậy là vô lý vì toàn bộ thiệt hại nằm trong ngưỡng cho phép của giá trị bảo hiểm mà ông đã ký kết với bên bảo hiểm.
Do phương tiện di chuyển duy nhất là chiếc ô tô này đã bị hư hỏng vẫn nằm trong trung tâm bảo hành nên ông phải thuê xe để đi làm, chi phí mỗi tháng hết 15 triệu đồng.
Từ đó, ông khởi kiện, yêu cầu tòa buộc công ty bảo hiểm phải thanh toán toàn bộ chi phí sửa chữa theo bảng báo giá của trung tâm bảo hành là hơn 310 triệu đồng. Ngoài ra, công ty bảo hiểm phải thanh toán chi phí thuê xe đi làm cho ông từ ngày 15-11-2019 đến khi khởi kiện tạm tính hai tháng là 30 triệu đồng, chi phí cẩu, kéo xe 6 triệu đồng.
Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện về chi phí thuê xe đi làm để khởi kiện trong một vụ án khác. Đồng thời, bảng báo giá sửa chữa của trung tâm bảo hành có thay đổi về số tiền còn hơn 301 triệu đồng. Do đó, ông Sỹ yêu cầu công ty bảo hiểm phải thanh toán hai khoản là chi phí sửa chữa hơn 301 triệu đồng và chi phí cẩu, kéo xe 6 triệu đồng.
Bán bảo hiểm nhưng không có hợp đồng?
Tại tòa, bị đơn xác định chỉ đồng ý bồi thường cho nguyên đơn tổng thiệt hại sửa chữa xe là 240 triệu đồng và 6 triệu đồng tiền cẩu, kéo xe. Lý do phía bị đơn đưa ra là giá sửa chữa các hư hại của xe chỉ là 270 triệu đồng, trong đó phần thiệt hại liên quan đến nắp thùng bán tải phía sau xe không nằm trong gói hợp đồng nên số tiền còn lại là 240 triệu đồng.
Bị đơn cho rằng xe của ông Sỹ là ô tô hoán cải, tức lắp thêm phần nắp của thùng bán tải phía sau mà không báo cho bên bảo hiểm biết nên loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phần này.
Trong khi đó, phía nguyên đơn đưa ra các chứng cứ thể hiện khi mua gói bảo hiểm thì xe đã được cải tạo có nắp thùng. Việc này được thể hiện trong giấy chứng nhận kiểm định là loại ô tô tải (pickup cabin kép) và giấy chứng nhận đăng ký xe.
Sau đó, phía bị đơn nói nếu ông Sỹ chứng minh được xe do nhà sản xuất ra có bộ phận đó thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường.
HĐXX hỏi nguyên đơn và bị đơn về quá trình ký kết HĐBH. Theo đó, phía bị đơn thừa nhận khi ký kết hợp đồng không chụp ảnh chiếc xe từ ban đầu, cũng không kiểm tra thực tế chiếc xe của nguyên đơn.
Bị đơn cũng thừa nhận sau khi tham gia bảo hiểm, ông Sỹ chỉ nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm mà không có HĐBH đi kèm. Ngoài ra, bị đơn cũng thừa nhận khi ký kết, bên bảo hiểm đã không giao cho phía nguyên đơn bộ quy tắc bảo hiểm (do phía bị đơn phát hành) để hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm loại trừ của bảo hiểm.
Đồng thời, tại phiên tòa cũng thể hiện trước khi mua bảo hiểm thì phía nguyên đơn phải điền vào một phiếu yêu cầu. Tuy nhiên, tên người mua là ông Sỹ nhưng người ký tên lại là một người khác. Phía ông Sỹ thì cho đó là nhân viên của công ty bảo hiểm nhưng phía công ty bảo hiểm không thừa nhận.
Phía nguyên đơn cho biết khi mua bảo hiểm chỉ nhận được giấy chứng nhận mà không có HĐBH. Chỉ đến khi phát sinh tranh chấp này, ông yêu cầu cung cấp hợp đồng thì công ty bảo hiểm mới đưa ra hợp đồng ký sau ngày cấp chứng nhận gần một năm. Chính vì vậy, ông Sỹ cho rằng bên bảo hiểm buộc người mua phải biết các điều khoản trong hợp đồng và bộ quy tắc là điều không thể vì bên mua không được cung cấp bản nào.
Bị đơn nói khi tham gia bảo hiểm thì chỉ cần giấy chứng nhận là đủ. Chỉ khi nào người mua yêu cầu cung cấp hợp đồng thì bảo hiểm mới cung cấp, hoặc trường hợp xe có thế chấp ngân hàng thì mới cung hợp đồng cho ba bên để xác định cụ thể các vấn đề liên quan.
Sau khi vào nghị án, HĐXX thông báo nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào sáng 5-2 tới.
Người bán phải cung cấp thông tin cho khách hàng Tại tòa, một vị hội thẩm nhân dân đã nói với đại diện của bị đơn: Người bán phải giải thích rõ ràng. Ông bà mình đã nói người mua nhầm chứ người bán không bao giờ nhầm. Như vậy mình có giải thích, nhấn mạnh những vấn đề gì khi ký HĐBH với khách không, vì đây là mặt hàng đặc thù. Trách nhiệm của mình phải giải thích, cung cấp thông tin cho khách hàng nhưng mình lại không làm là chưa đảm bảo. |