'Nữ hoàng giấy vụn' Trung Quốc đặt cược vào thị trường Đông Nam Á
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Năm 2018, chính phủ Trung Quốc tuyên bố kế hoạch ba năm nhằm giảm dần và dừng nhập hoàn toàn các loại rác, trong đó có giấy vụn. Cheung Yan - nhà đồng sáng lập và chủ tịch hãng giấy Nine Dragons - đối diện với thách thức mới.
Ba năm trôi qua, người phụ nữ được mệnh danh là “Nữ hoàng giấy vụn” của Trung Quốc - công bố dự án nhà máy giấy trị giá 4,6 tỉ đô la trong kế hoạch mở rộng thị trường sản xuất và tái chế giấy ở Việt Nam, Malaysia và Đông Nam Á.
Một nhà máy giấy của Nine Dragon ở Trung Quốc. Hiện là nhà sản xuất giấy lớn thứ hai trên thế giới, tập đoàn này sẽ vươn lên vị trí số 1 trong năm 2022. Ảnh: Nikkei Asia |
Nhà máy giấy lớn nhất Trung Quốc
Nhà máy giấy mới nằm ở Khu tự trị Choang thuộc tỉnh Quảng Tây gần với biên giới Việt Nam. Dự kiến, đây sẽ khu phức hợp công nghệ giấy lớn nhất Trung Quốc khi hoàn tất vào năm 2025. Xưởng giấy này có công suất 7,95 triệu tấn giấy mỗi năm, với sản phẩm là giấy đế (base paper) dành để sản xuất giấy carton - vốn đang ở nhu cầu rất cao khi thương mại điện tử ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong đời sống hậu đại dịch.
Gần nhà máy giấy ở Quảng Tây có cảng nước sâu để đón tàu trọng tải lớn. Nine Dragons đang định vị khu phức hợp này là một “cứ điểm” kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á. “Đây là thị trường hàng đầu của Trung Quốc”, bà chủ tịch phát biểu.
Nine Dragons đã mở thêm nhiều hãng giấy ở Đông Nam Á. Tập đoàn đã mua một xưởng sản xuất bột giấy tái chế tại Malaysia vào năm 2019 và dự kiến sẽ xây thêm nhà máy giấy đế vào năm 2022. Trước đó, Nine Dragons đã đầu tư mở rộng nhà máy Chánh Dương ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương trong năm 2017.
Lượng tiêu thụ giấy carton ở Trung Quốc luôn đạt tăng trưởng hai con số trong các năm qua – theo dữ liệu của Hiệp hội Giấy Trung Quốc. Nhưng tỷ lệ tăng này đang chậm lại trong giai đoạn 2015-2019 với trung bình 1,2% mỗi năm.
Nhật Bản, châu Âu và Bắc Mỹ cung cấp đến 16% giấy vụn cho các nhà máy tái chế giấy ở Trung Quốc với nguồn giấy carton, báo và tạp chí cũ và giấy vụn rất dồi dào. Lệnh cấm nhập giấy vụn có hiệu lực 100% bắt đầu từ tháng 2 này khiến các nhà máy giấy Trung Quốc thiếu trầm trọng nguyên liệu.
Các nhà máy giấy Trung Quốc không thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn giấy vụn trong nước. Nay, thu mua bột giấy tái chế từ các nước láng giềng là khả thi nhất bởi luật không cấm nhập loại bột giấy này. Trung Quốc hiện chiếm 30% sản lượng giấy toàn cầu và các nhà sản xuất nước này đang tận hưởng một thị trường luôn tăng trưởng nhanh ở sát cạnh – các nước Đông Nam Á.
Việc thu hoạch giấy vụn ở Đông Nam Á chậm lại trong năm 2020 vì lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại. Nhu cầu giấy vụn của khu vực được Nhật Bản ngay lập tức đáp ứng với giá khá cao 17.400 yen mỗi tấn, tức khoảng 165 đô la/tấn trong tháng 12 vừa rồi – theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản. Con số này tăng hơn 70% so với giá 10.000 yen mỗi tấn trước đó.
Nine Dragons sẽ mua giấy vụn ở các nước khác và chuyển sang nhà máy ở Malaysia, bột giấy tái chế sau đó được nhập vào cho nhà máy ở Quảng Tây. Sản phẩm giấy carton của Nine Dragons không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà cả các nước Đông Nam Á.
Giá giấy vụn xuất khẩu của Nhật Bản tăng hơn 70% trong năm 2020. Ảnh: Nikkei Asia |
Đặt cược vào ASEAN để trở thành nữ hoàng toàn cầu
“Bằng cách tái cấu trúc chuỗi cung ứng hòa nhịp tốt hơn với thị trường Đông nam Á, bà Cheung không chỉ duy trì danh hiệu nữ hoàng ở Trung Quốc mà còn là nữ hoàng của ngành công nghiệp giấy toàn cầu”, Nikkei Asia bình luận.
Lệnh cấm nhập khẩu giấy vụn là tác nhân khiến Nine Dragons tái cấu trúc chuỗi cung ứng của mình. Nhưng xu hướng số hóa nền kinh tế ở các nước Đông Nam Á mới là động lực chính của tập đoàn giấy Trung Quốc. Lượng tiêu thụ giấy carton ở khu vực dự kiến tăng ít nhất 5% mỗi năm, một nhà kinh doanh giấy nói với Nikkei Asia.
Như vậy, đây vừa là nguồn cung cấp nguyên liệu thô và cũng là thị trường hứa hẹn cho sản phẩm giấy carton hoàn chỉnh. Mở xưởng thu mua giấy vụn ở Hồng Kông ở tuổi 27, bà Cheung gầy dựng tên tuổi và sự nghiệp của mình bằng việc nhập khẩu giấy vụn từ Mỹ.
Năm 1998, bà là một trong những doanh nhân Trung Quốc đầu tiên xây dựng nhà máy sản xuất giấy. Hiện tập đoàn Nine Dragons của bà nắm giữ 20% thị trường giấy Trung Quốc và niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Sức mạnh của Nine Dragons nằm ở quy mô thu mua và sản xuất lớn của tập đoàn. Tập đoàn đứng đầu thế giới về sản lượng giấy đế bán ra hơn 13 triệu tấn mỗi năm, tức hơn 3,5 lần đối thủ xếp thứ hai là hãng Oji Holdings của Nhật Bản.
Nine Dragons dự định sẽ tăng năng lực hàng năm vượt 19,3 triệu tấn vào năm 2022, tăng 11% so với năm 2020. Trong khi đó, nhà sản xuất giấy lớn nhất thế giới hiện nay là International Paper ở Mỹ với năng lực dự bán trong năm nay là 17,7 triệu tấn, giảm 22% so với năm 2019. Sự sụt giảm này là do hãng Mỹ cắt luôn mảng giấy in báo và tạp chí.
Các nhà máy giấy và bao bì của Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm thu mua của các tập đoàn Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Nổi bật trong năm 2020 là thương vụ mua nhà máy Bao bì Biên Hòa trị giá 2.070 tỉ đồng - tức 94,11% cổ phần - của tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan. Thương vụ này mất hơn 6 tháng để đàm phán và đạt mức giá trên. Tập đoàn SCG cũng nắm cổ phần lớn ở nhiều doanh nghiệp nhựa gia dụng và bao bì ở Việt Nam. Thành lập năm 1968, Bao bì Biên Hòa là nhà máy sản xuất bao bì giấy gợn sóng (carton) đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2003, Bao bì Biên Hòa cổ phần hóa. Trở thành công ty đại chúng, Bao bì Biên Hòa đạt lợi nhuận 6 triệu đô la trên tổng doanh số 73 triệu đô trong năm 2019. Hiện nhà máy có năng lực 90.000 tấn giấy carton và 10.000 tấn bao bì thực phẩm mỗi năm. Nhà máy có tệp khách tầm cỡ gồm các công ty và tập đoàn lớn như Unilever, Pepsi, Coca-Cola, Nestlé, LG... |
Xem thêm: lmth.a-man-gnod-gnourt-iht-oav-couc-tad-couq-gnurt-nuv-yaig-gnaoh-un/605313/nv.semitnogiaseht.www