Ngày 18/03/2020, quỹ ETF SSIAM VNFINLEAD chính thức niêm yết trên HOSE. Từ mức giá 10.000 đồng tại thời điểm nhà đầu tư góp vốn vào quỹ, biến động thị trường đã đẩy giá trị của FUESSVFL chỉ còn hơn 8.300 tại ngày niêm yết đầu tiên. Thị trường tiếp tục giảm. Cuối tháng 3, FUESSVFL đã giảm tổng cộng hơn 30% giá trị.
Nhắc lại những ngày đó, bà Lê Thị Lệ Hằng – CEO của Công ty quản lý quỹ SSIAM vẫn giữ thái độ rất bình tĩnh, song có thể hiểu, ai ở trong bối cảnh đó cũng chịu áp lực vô cùng lớn.
Thế nhưng, SSIAM vẫn ngược dòng ngoạn mục, tiếp tục ra mắt thêm Quỹ ETF SSIAM VN30 và 2 quỹ thành viên tư nhân mới (private equity - PE). Đến cuối năm, tổng tài sản quản lý (AUM) của SSIAM tăng trưởng 45%, bà Lệ Hằng được Tạp chí Asia Asset Management trao giải CEO của năm trong ngành quản lý quỹ Việt Nam. Đồng thời, quỹ SSIAM VNFIN LEAD nhận giải Fund Launch of the Year.
"Hồi mới về Việt Nam tôi đã rất sợ" – Nữ CEO nói khi được hỏi về khoảng thời gian từ Mỹ về nước làm việc và những khác biệt phải đối mặt – "Tôi nghĩ rằng làm việc tại thị trường tài chính Việt Nam đa phần là đàn ông. Nhưng sau đó tôi đã nhận thấy những doanh nghiệp có nhiều phụ nữ là những doanh nghiệp rất thành công, cứ nhìn SSI hay Vingroup thì rõ".
Và thực tế là, phụ nữ tại Việt Nam được trao quyền rất nhiều.
"Tôi có đất dụng võ, càng về sau càng thấy mình được đóng góp nhiều hơn, làm được nhiều thứ hơn và cũng học được nhiều thứ hơn khi làm việc tại Việt Nam".
Nếu như những thị trường phát triển đã có những tiêu chuẩn nhất định thì một thị trường biên (frontier market) như Việt Nam đòi hỏi nhiều thứ cần phải xây dựng, phát triển và nâng cấp. Một thị trường như vậy cũng chứa đựng nhiều cơ hội cho người từ thị trường tài chính khác về làm việc, nơi mà như bà Hằng đánh giá, là học hỏi và đóng góp đi cùng nhau trên một con đường.
"Không phải cái gì mang từ nước ngoài về cũng áp dụng vào đây được, mình phải biết làm sao để đưa vào một cách phù hợp với nền kinh tế, với luật và văn hóa. Thậm chí bản thân mình cũng cần phải học hỏi và cùng Cơ Quan Quản lý xây dựng khung pháp lý hoàn thiện hơn cho thị trường. Đó vừa là cái khó, nhưng cũng là cái thuận lợi" – Bà Hằng nói.
"Là phụ nữ, tôi cũng phải nỗ lực hơn rất nhiều so với đàn ông, không những ở Mỹ mà ở Việt Nam cũng như vậy. Trong ngành tài chính này, nếu không "hùng hổ" một chút, quyết liệt một chút, mình sẽ bị thụt lùi. Nhưng bên cạnh đó cũng cần sự khéo léo để dung hòa mọi thứ. Tôi nghĩ đó cũng là lợi thế của phụ nữ khi làm việc trong ngành này. Và có lẽ vì dù từng học tập hay làm việc ở nước ngoài, tôi vẫn là một người phụ nữ Việt Nam".
13 năm về Việt Nam, phong cách làm việc vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn vẫn theo bà Hằng đến tận bây giờ. Sự cứng rắn được thể hiện ngay trong những lúc sóng gió, áp lực nhất, bà vẫn lãnh đạo SSIAM vượt qua và có một năm 2020 vô cùng thành công. Bà quan điểm, khi làm việc với đối tác, phải hỗ trợ và làm vì họ trước, cam kết đồng hành cùng họ. Tư duy đó đã khiến cho đội ngũ SSIAM luôn được khách hàng ủng hộ, bất chấp những biến động của thị trường.
"Tôi đã về Việt Nam rất lâu rồi, thời điểm làm việc ở Mỹ, đến nay nhắc lại có lẽ không còn quá nhiều ý nghĩa về mặt thời sự nữa. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, là dù ở đâu, thời điểm nào cũng có cơ hội cho mình. Quan trọng là mình muốn làm gì với nó".
Trở lại với thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam căng như dây đàn, đội ngũ của SSIAM đối mặt với làn sóng rút vốn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
"Làm quản lý quỹ, điều mong muốn nhất là bảo toàn được vốn và luôn tăng trưởng cho khách hàng. Những lúc thị trường như vậy, việc làm sao để bảo toàn vốn hoặc tăng trưởng tổng tài sản là điều mà chúng tôi quan tâm, lo lắng nhất" - Bà Lệ Hằng kể lại.
Còn nhớ, trong thời điểm thị trường diễn biến xấu, đội ngũ SSIAM đã ngay lập tức họp bàn, thúc đẩy quá trình huy động thêm vốn và tìm kiếm cơ hội đầu tư, và quan trọng là các quỹ mới đã được lên kế hoạch ra mắt trong năm nay sẽ thế nào? Với cú đấm của một "thiên nga đen" như Covid-19, điều chắc chắn nhất mà những người làm tài chính có thể dự đoán là sự khó khăn trong huy động vốn cho quỹ mới.
"Chúng tôi thực sự không có một "người mẹ" làm bệ đỡ tài chính" - Bà Lệ Hằng nói - "Cho nên, tất cả những khoản vốn chúng tôi huy động được đều là tiền thật. Với những nhà đầu tư dài hạn, những cú giảm sốc lại là cơ hội để mua. Nên dù tiến trình chậm hơn kỳ vọng, nhưng các quỹ vẫn ra mắt như kế hoạch đã định".
Và thế là ETF SSIAM VNFIN LEAD dựa trên bộ chỉ số cổ phiếu ngành tài chính Vietnam Leading Financial Index (VNFin Lead) chính thức ra đời, ngay trong cao điểm dịch tháng 3/2020 tại Việt Nam. Niêm yết trong hoàn cảnh không thuận lợi, nhưng ngay cả lúc giá trị chứng chỉ quỹ giảm hơn 30%, bà Hằng cùng đội ngũ SSIAM vẫn nỗ lực thực hiện huy động lại vốn với 100% công suất. Không thể trực tiếp gặp mặt do giãn cách xã hội, họ làm việc trực tuyến, họp và đàm phán trực tuyến cùng đối tác nước ngoài.
"Chúng tôi cũng không tính xem mình là đã làm bao nhiêu tiếng một ngày. Mọi người rất nỗ lực. Tất nhiên, cũng là vì áp lực buộc mình phải thực hiện mục tiêu đã định, nhưng làm gì có ai đi làm mà không có áp lực. Áp lực buộc chúng tôi phải "lớn" hơn."– Bà Hằng chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình công tác trong ngành tài chính, bà Lệ Hằng du học nước ngoài rồi ở lại Mỹ làm việc cho một công ty quản lý quỹ tại NewYork. Trở về Việt Nam, bà Lệ Hằng đầu quân cho Công ty Chứng khoán Sài Gòn – nay là Công ty Chứng khoán SSI, đảm nhiệm nhiều vị trí, sau đó trở thành CEO của SSIAM và đã 6 lần giành giải CEO của năm do Asia Asset Management trao.
Nhìn vào những thông tin đó, nhiều người nói rằng, cuộc đời của bà Lê Thị Lệ Hằng quả là một đường thẳng đi lên.
"Bạn nghĩ tôi rất may mắn đúng không? (cười). Thật sự, tôi chưa bao giờ có ý giấu diếm hoặc cố tình quên đi những lợi thế của mình. Nhưng bạn thử hình dung, khi bạn được trao cho rất nhiều cơ hội tốt, mà bạn lại không thể làm gì ra hồn với nó, không biến nổi cơ hội thành kết quả tốt, thì những hậu quả bạn nhận lại đôi khi gấp đôi, gấp ba những người bình thường khác."- Bà Lệ Hằng trải lòng. Những chuyến bay dày đặc, những cuộc đàm phán căng thẳng, những quyết định đầu tư cân não giữa lợi nhuận và rủi ro trong một tầm nhìn dài hơi… đều không phải là một sự dễ dàng hiển nhiên, khi người phụ nữ còn cần cân bằng giữa công việc và gia đình, giữa tư duy của người sếp – người con – người vợ - người mẹ.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ cuộc đời mình là một đường thẳng đi lên. Và cũng luôn nhắc mình rằng, cái gì cũng cần sự nỗ lực. Nhưng tôi cũng chọn cách đối mặt với những khó khăn và vượt qua nó với một tâm thế sẵn sàng nhất. Nếu bạn nghĩ nó êm đềm thì nó êm đềm, nếu nghĩ nó khó khăn thì nó khó khăn. Mình nên đón nhận mọi thứ và tìm đường đi bằng những gì đang có trong tay" – CEO của SSIAM khẳng định
Mặc dù khá tự tin về vị thế "quỹ tốt nhất" nhưng bà Hằng nói, ước mơ xây dựng công ty quản lý quỹ tốt nhất Việt Nam của bà và đồng đội chưa hoàn thành.
"Còn nhiều cái phải làm. Sẽ luôn có ước mơ cao hơn. Ngay cả ước mơ hiện tại cũng còn nhiều thứ phải hoàn thiện về hệ thống, về con người và sản phẩm cũng cần đa dạng hơn, nắm bắt kịp nhu cầu của thị trường hơn nữa. Bởi vì đối thủ cạnh tranh lớn nhất chính là bản thân mình".
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.56781838130201202-ioh-oc-oc-gnuc-uad-o-man-teiv-yah-llaw-ohp-maiss-auc-oec-un/nv.zibefac