Một chiếc xe quân đội trên đường phố ở Myitkyina, bang Kachin hôm 2-2-2021 - Ảnh: AFP
Trung Quốc đã gọi động thái của quân đội Myanmar là "đại cải tổ nội các" và thận trọng không bình luận gì thêm.
Đặt trong bối cảnh Myanmar đã bị quốc tế cô lập từ thời bà San Suu Kyi vì cuộc khủng hoảng người Rohingya, việc phương Tây gia tăng sức ép có thể đẩy chính quyền quân sự Myanmar đến việc xem Trung Quốc là lựa chọn duy nhất.
Các giả thuyết về sự liên quan của Trung Quốc đều không đúng. Với tư cách là một nước láng giềng thân thiện với Myanmar, chúng tôi luôn mong muốn các bên giải quyết sự khác biệt theo cách hợp lý và duy trì sự ổn định chính trị, xã hội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc VƯƠNG VĂN BÂN khẳng định tại họp báo ngày 3-2
Bài toán khó của ông Biden
Chính quyền Mỹ đã tuyên bố hành động của quân đội Myanmar có đủ yếu tố cấu thành "một cuộc đảo chính quân sự", đồng thời để ngỏ khả năng trừng phạt.
Đáng chú ý, trong cuộc họp báo qua điện thoại rạng sáng 3-2 (giờ Việt Nam), một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cũng tuyên bố chính phủ vừa bị lật đổ của bà San Suu Kyi là "chính phủ được bầu hợp lệ". Đó là một bước đi có thể tạo ra căng thẳng chính trị với chính quyền quân đội mới của Myanmar.
Bà Suzanne DiMaggio - một thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế - kêu gọi chính quyền Biden nên kiềm chế việc áp đặt ngay các lệnh trừng phạt và phép thử ngoại giao.
"Myanmar là một thử nghiệm bất ngờ đối với chính quyền Biden, vốn đã nhấn mạnh nhân quyền và dân chủ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ" - bà DiMaggio đặt vấn đề.
"Nhanh chóng cử một đặc phái viên cấp cao tới Naypyidaw với sự ủng hộ hiếm hoi của lưỡng đảng sẽ là một bước đi thích hợp tiếp theo" - bà DiMaggio nêu kiến nghị.
Tương lai Myanmar hậu đảo chính phụ thuộc vào lựa chọn của chính quyền quân sự và cách phương Tây (trong đó có Mỹ) phản ứng. Việc Washington xác định "quân đội Myanmar đảo chính" trước mắt sẽ chặn đứng nguồn tiền hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID).
Luật pháp Mỹ hạn chế việc hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nơi quân đội chiếm quyền của chính phủ dân cử. Kế đến, theo chuyên gia Murray Hiebert thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), Washington có thể trừng phạt một số công ty quân đội Myanmar và đó là tất cả những gì Mỹ nên làm.
Tuy nhiên, việc Mỹ và Myanmar không có sợi dây liên kết kinh tế khiến các lệnh trừng phạt của Washington gần như vô hiệu.
Tổng thống Biden đang đứng trước thế lưỡng nan khi vừa muốn thể hiện thái độ trước các hành động xâm phạm dân chủ, nhưng lại không thể quá mạnh tay nếu không muốn mất Myanmar vào tay Trung Quốc.
Trung Quốc có đắc lợi?
"Nếu chúng ta ngừng các chương trình hợp tác với quân đội Myanmar, quan hệ của họ với quân đội Trung Quốc sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Myanmar sẽ ngày càng xa cách các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Anh. Tôi nghĩ điều đó sẽ gây rủi ro cho an ninh khu vực" - Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama cảnh báo trong một cuộc họp báo ngày 2-2.
Thật vậy, Trung Quốc có thể hưởng được lợi ích bằng cách tận dụng các sai lầm của phương Tây. Việc các nước lên án chính quyền dân sự của bà San Suu Kyi vì cuộc khủng hoảng người Rohingya cho thấy sự hời hợt của phương Tây trong việc tìm hiểu Myanmar.
Chính phủ dân sự không hề có tiếng nói với quân đội - lực lượng đã phát động các chiến dịch quân sự khiến hàng trăm ngàn người Rohingya tháo chạy sang Bangladesh. Nhưng mọi tội lỗi dường như đều bị quy cho bà San Suu Kyi, với tư cách cố vấn nhà nước.
Myanmar có vị trí chiến lược quan trọng đối với Bắc Kinh, là con đường đi tắt của Trung Quốc để ra Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã đổ hàng tỉ USD cho các dự án cảng và nhà máy điện ở Myanmar thông qua sáng kiến "Vành đai, con đường".
Chiến lược ngoại giao của Trung Quốc tại Myanmar là tìm cách tạo ra sự cân bằng giữa chính phủ dân sự và quân đội. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Myanmar vào tháng 1-2020, ông đã gặp riêng cả bà San Suu Kyi và tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.
Thế nhưng, một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và thống tướng Min Aung Hlaing hồi tháng trước đang bị đặt dấu chấm hỏi. Theo tờ Irrawaddy, trong cuộc gặp ông Min Aung Hlaing đã than phiền về những gian lận trong bầu cử và để ngỏ khả năng sẽ làm gì đó đối với chính quyền dân sự.
Không rõ ông Vương Nghị đã phản hồi như thế nào, bởi ngay trước đó ông đã gặp bà San Suu Kyi và bày tỏ sự hãnh diện khi trở thành ngoại trưởng nước ngoài đầu tiên thăm Myanmar sau tổng tuyển cử.
Nhà nghiên cứu Azeem Ibrahim thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu (Mỹ) nhận định có vẻ như quân đội Myanmar tin rằng họ đã bắt được tín hiệu ủng hộ ngầm của Bắc Kinh trước khi hành động.
"Các tướng lĩnh Myanmar sẽ do dự hành động trừ khi họ có được niềm tin rằng họ có thể dựa vào Bắc Kinh để bảo vệ khỏi những hậu quả không thể tránh khỏi từ Liên Hiệp Quốc và các quốc gia phương Tây, cũng như có thể bù đắp các biện pháp trừng phạt sắp tới bằng cách mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai nước láng giềng".
Bà Suu Kyi bị khởi tố tội buôn lậu
Trong thông báo được phát chiều 3-2, cảnh sát Myanmar cho biết Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi sẽ bị khởi tố theo luật xuất nhập khẩu Myanmar, Tổng thống Win Myint bị khởi tố theo luật quản lý tình trạng thảm họa tự nhiên.
Một tòa án ở thủ đô Naypyidaw đã chấp thuận lệnh bắt giữ bà Suu Kyi và ông Win Myint trong ngày 3-2. Cả hai sẽ tiếp tục bị giữ tại một địa điểm không xác định đến ngày 15-2.
Hãng tin Reuters dẫn thông báo của cảnh sát cho biết họ tìm thấy các thiết bị liên lạc cầm tay "được nhập khẩu và sử dụng không phép" tại nhà của bà Suu Kyi.
Sự phản kháng của người dân Myanmar có thể tăng lên sau động thái khởi tố bà Aung San Suu Kyi. Hưởng ứng phong trào "bất tuân dân sự" để phản đối đảo chính, các nhân viên y tế và bác sĩ tại 70 bệnh viện ở 30 thành phố khắp Myanmar đã đình công ngày 3-2.
TTO - Mỹ cảm thấy "lo lắng" trước các cáo buộc đối với nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi trong khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết sẽ huy động quốc tế gây sức ép lên cuộc đảo chính ở nước này.
Xem thêm: mth.83802752140201202-ramnaym-eht-oc-nab-av-gnurt-ym/nv.ertiout