Người dân bày tỏ ủng hộ bà Aung San Suu Kyi tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 3-2 - Ảnh: REUTERS
“Thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục ủng hộ tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar”, Reuters dẫn tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Hội đồng này là cơ quan chính trị quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc. Hiện Hội đồng có 5 thành viên thường trực bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, cùng 10 thành viên không thường trực, trong đó có Việt Nam (nhiệm kỳ 2020-2021).
Trước đó ngày 1-2, bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo đảng cầm quyền đã bị bắt trong một cuộc đột kích của quân đội Myanmar. Trong tuyên bố sau đó, quân đội nói họ thực hiện vụ bắt người trên nhằm phản ứng với "gian lận bầu cử" cuối năm ngoái ở nước này.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) tuyên bố chiến thắng để tiếp tục lãnh đạo Myanmar.
Ngày 4-2, một nhóm người biểu tình đã giơ các biểu ngữ và hô to những khẩu hiệu phản đối cuộc “đảo chính của quân đội Myanmar” ở thành phố Mandalay, miền bắc Myanmar. Theo Reuters, đây là cuộc biểu tình phản đối đảo chính trên đường phố đầu tiên ở Myanmar kể từ ngày diễn ra chính biến.
TTO - Một nhóm người tụ tập tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, để phản đối cuộc đảo chính của quân đội nước này. Họ truyền thông điệp: "Người dân phản đối quân đội đảo chính", "Hãy thả những lãnh đạo bị bắt"...