Ngày 4-2, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên của mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mô tả Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất" với Mỹ, tờ South China Morning Post đưa tin.
Ngoài ra, ông cũng thề sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận, bao gồm nhân quyền, sở hữu trí tuệ và chính sách kinh tế.
Xuất hiện tại Bộ Ngoại giao, ông Biden tuyên bố chính quyền của ông sẽ "đối mặt trực tiếp với những thách thức đặt ra đối với sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị dân chủ của đối thủ nặng ký nhất: Trung Quốc".
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP
"Chúng tôi sẽ đối đầu với các hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, các hành động liên quan vấn đề nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu" - ông Biden nhấn mạnh.
"Chúng ta sẽ cạnh tranh bằng sức mạnh, bằng cách xây dựng 'hậu phương' tốt hơn, bằng cách hợp tác với các đồng minh và đối tác, đổi mới vai trò của Mỹ trong các thể chế quốc tế và lấy lại uy tín và quyền lực của chúng ta" - Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Bài phát biểu được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của ông phải đối mặt với các cuộc kiểm tra ngoại giao ban đầu, bao gồm việc Nga bỏ tù nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny và sau chính biến ở Myanmar - những vấn đề mà ông bày tỏ quan ngại trong bài phát biểu của mình.
Trong khi khẳng định sẽ không nhường bước trước Trung Quốc, ông Biden cho biết Mỹ cũng sẵn sàng "làm việc với Bắc Kinh nếu việc đó có lợi cho Washington", ám chỉ tham vọng của chính quyền ông là hợp tác trong vấn đề khủng hoảng khí hậu.
Ông Biden - một nhà ngoại giao thành thục, từng làm việc trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và có tám năm làm phó tổng thống trong chính quyền Obama, đã dùng bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao để thông báo một số động thái chính sách đối ngoại, bao gồm việc giảm sự ủng hộ của Mỹ đối với các hoạt động tấn công do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen.
"Chiến tranh phải kết thúc" - ông nói. Đồng thời, ông tuyên bố bổ nhiệm một đặc phái viên tập trung vào cuộc xung đột Yemen - cuộc xung đột đã khiến hơn 230.000 người thiệt mạng, hơn một triệu người phải di tản và gây ra nạn đói tàn khốc.
Ngoài ra, tổng thống cũng tuyên bố ngừng rút quân khỏi Đức và tăng đáng kể giới hạn tiếp nhận người tị nạn của Mỹ lên 125.000 người một năm, tăng từ mức thấp kỷ lục 15.000 trong năm ngoái dưới thời chính quyền tổng thống Donald Trump.