Trong nhiều năm, Jeff Bezos và Amazon của công đã bị vô số người nghi ngờ. Thế nhưng hiện nay với vị thế là người giàu nhất thế giới, chẳng còn mấy ai hoài nghi về những quyết định của Amazon nữa.
Quay ngược lại quá khứ, 20 năm đầu của Amazon là chặng đường vất vả không có lợi nhuận mấy và cũng chẳng có định hướng rõ ràng trong mắt các nhà đầu tư.
Thế nhưng nếu tập trung nhìn vào những tuyên bố và nước đi của Bezos, mọi người sẽ nhận ra tư tưởng của vị tỷ phú này dựa trên chiến lược dài hơi, qua đó đảm bảo thắng lợi cho công ty trong tương lai vô định. Chính điều này đã khiến Bezos khác với những CEO khác, đồng thời cũng làm nên thành công của Amazon.
Vậy câu hỏi đặt ra là tỷ phú Bezos đã làm thế nào để ra quyết định cho dài hạn khi tương lai là thứ không thể đoán trước? Hãy cùng cây bút Zat Rana của tờ Design Luck khám phá những bí kíp khiến Bezos và Amazon của ông đi trước thời đại.
1. Tầm nhìn định hướng
Việc phải ra quyết định trong hiện tại cho tương lai vô định là điều vô cùng khó khăn. Liệu bạn có biết được trường đại học mình chọn hôm nay có phù hợp bản thân hay người bạn cưới hiện tại có thực sự đem lại hạnh phúc cho tương lai?
Tỷ phú Bezos có một quy tắc vô cùng đơn giản khi phải đưa ra những quyết định quan trọng trong dài hạn, đó là tập trung tầm nhìn vào những thứ không bao giờ thay đổi.
Tại Amazon, tất cả mọi thứ được xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng. Thay vì tốn tiền của chạy theo mọi xu thế, Amazon tập trung phát triển 2 mục tiêu chính là giao hàng nhanh và hạ giá thành sản phẩm. Tỷ phú Bezos hiểu rằng dù tương lai thế nào thì trong 20 năm nữa, người tiêu dùng vẫn cần đến 2 thứ này.
Tương tự nếu bạn đã 30 tuổi mà còn chưa rõ sở thích cá nhân hay định hướng sự nghiệp vào đâu thì hãy dựa vào những thứ không thay đổi trong 20 năm qua của bản thân. Nếu bạn thích làm một thứ gì đó trong 20 năm qua thì khả năng cao sự nghiệp của bạn vẫn sẽ xoay quanh sở thích đó trong tương lai.
Việc định hướng lâu dài rất quan trọng trong các quyết định dài hạn, qua đó cho phép sự nghiệp cá nhân hay công ty phát triển ổn định.
2. Thử nghiệm và thất bại
Nếu đã có định hướng dài hạn, bạn sẽ phải tìm đường thực hiện được những mục tiêu đề ra hay cụ thể hơn là nên bắt đầu từ đâu. Vấn đề ở đây là chẳng ai đoán được tương lai như thế nào nên không thể vạch kế hoạch cụ thể từng nước một.
Hãy tưởng tượng bạn muốn trở thành nghệ sĩ nổi tiếng trong 10 năm tới vì tình yêu nghệ thuật, nhưng bạn sẽ hoạt động trong mảng nào? Làm thế nào để đạt tới thành công đó thì vẫn là dấu chấm hỏi.
Với tỷ phú Bezos, câu trả lời lại khá đơn giản: Thử và thất bại, mày mò ném đá qua sông và xây dựng dần lên lối đi riêng.
Rất nhiều người trong cuộc đời đã vội vàng quyết định chỉ đi theo 1 con đường và kiên định với nó. Với Bezos, kiểu quyết định này không tối ưu bởi rất khó biết chính xác bạn cần hay thích gì cho đến khi có nó.
Tại Amazon, hãng chủ trương thử nghiệm nhiều dự án, nếu chương trình nào khả thi thì tiếp tục. Những dự án nào thất bại thì lấy làm bài học kinh nghiệm cho các chương trình khác.
Điều này cũng tương tự như một người mới xây dựng sự nghiệp, thay vì tập trung ngay vào một ngành nghề cố định thì nên thử nhiều việc một lúc, xác định xem mình có thể thành công ở mảng nào trước khi gắn bó thực sự với nó.
Khởi điểm, Amazon chỉ bán sách, thế rồi họ mở rộng sang thương mại điện tử, điện toán đám mây, phần cứng...
Ngày nay phần lớn lợi nhuận của Amazon đến từ những vụ "đặt cược" như thế. Nếu không thử và thất bại, Amazon có lẽ sẽ không có những sản phẩm đáng xấu hổ như dòng điện thoại "Fire Phone". Dẫu vậy cũng chính nhờ chiến lược ném đá dò đường này mà hãng xây dựng được mảng điện toán đám mây AWS, đem lại hàng chục tỷ USD lợi nhuận mỗi năm.
3. Những sai lầm thường mắc phải
Thông thường, nói đến lên kế hoạch dài hạn mọi người hay đặt một mục tiêu trung hạn cụ thể rồi ghép các mảnh ý tưởng lại với nhau. Vấn đề ở đây là cách lên kế hoạch này quá cứng nhắc trước sự biến hóa của tương lai cũng như quá cụ thể, khiến bạn dễ mất sự kiên nhẫn khi mọi thứ đổ bể.
Mặc dù việc định hướng trong 10-20-30 năm khá mơ hồ so với 5 năm nhưng chúng giúp bạn đưa ra được những chiến lược linh hoạt trong tương lai, đồng thời duy trì sự kiên nhẫn, bền bỉ khi có những dự án thất bại.
Đây chính là những gì đã diễn ra với Bezos và Amazon trong những năm đầu khởi nghiệp. Mọi người quá tập trung vào kết quả theo quý mà không thấy được cả một hệ thống xây dựng cho tương lai dài hạn hàng chục năm.
Việc định hướng 5 năm khá cụ thể và dễ thuyết phục hơn cho phần lớn mọi người, thế nhưng thành công lại là hên xui. Tuy nhiên với những người đặt mục tiêu cũng như bỏ công sức chuẩn bị cho 20-30 năm thì rất khó để họ thất bại. Ngay cả khi không đạt được những mục tiêu đề ra thì công sức, kinh nghiệm và kiến thức trong 30 năm qua của bạn cũng sẽ được ghi nhận phần nào.
Theo Bezos, chúng ta đang sống trong một thế giới năng động, thay đổi liên tục và để đưa ra quyết định hiệu quả thì cần tránh những khuôn khổ tĩnh, cần sự linh hoạt và cởi mở trong lựa chọn.
Tương lai có thể khó đoán, nhưng điều này không có nghĩa bạn không thể định hình được đường đi của mình.
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị