Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Kim Dung (viện trưởng Viện giáo dục khoa học Nam Việt):
Không cực đoan
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Kim Dung
Tôi ủng hộ việc không giao bài tập về nhà trong dịp tết. Còn ngày thường, tôi cho rằng cũng cần phải cân nhắc vì trẻ đã học ở trường rồi và học 2 buổi/ngày, về nhà tại sao bắt con học nữa?
Tuy nhiên, tùy theo góc độ của từng đứa trẻ, có trẻ trong trường làm bài không kịp thì về nhà làm thêm cũng không sao. Cho nên ở đây đừng thái quá cực đoan, tùy theo tình huống của trường học và tình huống của từng đứa trẻ.
Tôi không phản đối việc cho bài tập về nhà nhưng cực kỳ phản đối nếu như bài tập không phù hợp bối cảnh và từng đứa trẻ. Phải cân nhắc hết để biết cái lợi và cái hại của chuyện giao bài về nhà cho con hay không. Không phải ở đâu trẻ cũng học 2 buổi/ngày, có những địa phương các bé vẫn học 1 buổi. Vậy buổi còn lại con làm gì, xem tivi hay vi tính, iPad?
Tôi tán thành nguyên tắc tùy mức độ học tập mà giao bài về nhà vừa phải và nhất thiết không biến bài tập về nhà thành gánh nặng. Vì khi thành gánh nặng thì cực kỳ nguy hiểm, khi đó phụ huynh mời thầy dạy, đưa con về nhà thầy cô giáo học thêm.
Ông Lê Ngọc Điệp (nguyên trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM):
Không chỉ học từ sách vở
Ông Lê Ngọc Điệp
Tôi đến một trường tiểu học ở Stockholm, Thụy Điển thấy có một cái tủ trưng bày nhiều món đồ nhỏ như búp bê, cây đàn nhỏ bằng gỗ... Giáo viên cho biết đó là đồ lưu niệm của học sinh trong lớp mùa hè đi du lịch với gia đình về thì mang tới lớp giới thiệu với bạn bè rồi tặng cho lớp để trong tủ.
Ở Singapore, hằng tuần các nhóm học sinh sẽ kể chuyện đi siêu thị, nghe nhạc, xem phim với ai, có gì đặc biệt mà theo bạn là đáng nhớ. Ở Thái Lan thì học sinh vào chùa nghe tụng kinh. Còn ở Indonesia, học sinh được vào tham quan trường dạy làm tiếp viên hàng không, tập làm phi công...
Tôi chỉ kể thoáng qua một vài hình ảnh để thấy rằng việc học không chỉ nằm trong sách giáo khoa với các bài tập mà học sinh phải hoàn thành trong kỳ nghỉ tết, hay phải gò lưng học thêm trong mùa hè dành cho các em được nghỉ ngơi sau 9 tháng ôm vở bài.
Nhà trường và thầy cô hãy để các em được vui chơi, được đi cùng người thân của mình vào mỗi năm tết đến xuân về và hết năm học được nghỉ hè. Đó chính là giáo dục, là nuôi dưỡng kiến thức và tâm hồn các em, để các em trở thành con người phát triển toàn diện.
Thầy giáo Lâm Vũ Công Chính (Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM):
Hãy để trẻ yêu tết
Thầy giáo Lâm Vũ Công Chính
Trẻ con thời nào cũng trông chờ tới tết để được lì xì, được mặc quần áo mới, du xuân cùng gia đình, hay đơn giản chỉ là được nghỉ học xả hơi sau đợt kiểm tra học kỳ 1 đầy căng thẳng. Tuy vậy, đôi khi thầy cô vì lo lắng học trò mải chơi sẽ quên bài học, "rơi rụng" kiến thức sau một kỳ nghỉ dài nên không ngần ngại "lì xì" cho các em nhiều bài tập. Đôi khi thầy cô còn kèm theo những lời "hứa hẹn" hoặc cả "hăm dọa" với những bài vở này. Thật ra, thầy cô giao bài tập cũng xuất phát từ cái tâm không muốn học sinh quên bài, "nhàn cư vi bất thiện", nhưng giao quá nhiều lại không tốt.
Theo tôi, học sinh sẽ học được nhiều hơn trong dịp tết nếu không phải quần quật với mớ bài tập chất chồng. Các em sẽ cảm nhận được hương vị ngày tết, tự học những nét văn hóa, phong tục ngày tết, các giá trị truyền thống được ông bà, cha mẹ giữ gìn và tiếp nối. Các em sẽ yêu tết, yêu các giá trị truyền thống của tết khi các em được hạnh phúc. Chính những điều này sẽ tạo nên một ký ức các cái tết trọn vẹn cho các em, để khi các em nhớ về tết, không phải nhớ đến "núi" bài tập.
Thay vì bài tập, học sinh cũng nên được giáo dục về những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại có ý nghĩa rất lớn cho nhiều năm sau này, như cách vui chơi, giải trí lành mạnh, hạn chế sử dụng bia rượu, chất kích thích, không tham gia cờ bạc, đốt pháo, chất gây nổ... Với lớp tôi, thầy trò đã hẹn một buổi gặp gỡ online vào mùng 1 này trên Teams - nền tảng mà chúng tôi vẫn thường học online - nhưng không phải để giảng bài, giải bài mà là để gửi đến nhau những lời chúc ý nghĩa dịp đầu năm...
T.THƯƠNG - T.NHÂN ghi
Xem thêm: mth.77365909050201202-gnohk-coud-pat-iab-gnohk-tet/nv.ertiout